NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN PHÁP LUẬT HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH VỀ BẢO VỆ QUYỀN TRẺ EM
4.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật Hôn nhân và gia đình về bảo vệ quyền trẻ em trong gia đình
4.1.1. Giáo dục đạo đức, ý thức trách nhiệm của cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình để xây dựng môi trường gia đình an toàn, hạnh phúc
Gia đình được coi là “cái nôi”, đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ, bao bọc và hình thành nhân cách, ý thức đạo đức, ý thức pháp luật của trẻ em. Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững để trẻ em được bảo vệ ngay chính trong gia đình mình. Để có thể thực hiện được điều đó thì vấn đề quan trọng là phải xây dựng được gia đình thực sự ấm no, bình đẳng, hạnh phúc, bền vững. Điều này phụ thuộc vào tất cả các thành viên gia đình, trong đó vai trò quan trọng nhất là cha mẹ.
Cha mẹ cần nâng cao hiểu biết của mình đặc biệt là các quyền trẻ em. Trên cơ sở đó, chính cha, mẹ là người có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc, đúng đắn các nghĩa vụ của mình đối với trẻ em. Nâng cao nhận thức của cha mẹ về quyền trẻ em là một trong những biện pháp mang tính trọng tâm, cốt lõi giải quyết những vấn về nội tại của trẻ em.
Các bậc cha mẹ không ngừng học hỏi, tìm hiểu những tri thức khoa học, xã hội, trang bị và nâng cao kiến thức, khả năng chăm sóc, dạy dỗ và giáo dục con cái, để không chỉ góp phần tăng cường, nâng cao và phát huy được vai trò giáo dục gia đình, nhất là với các bậc cha mẹ ở khu vực nông thôn, miền núi mà còn khắc phục phương pháp giáo dục chỉ dựa trên kinh nghiệm và cảm tính. Thực tế cho thấy, cha mẹ có quyền và thường tác động đến sự phát triển và định hướng tương lai của con trẻ, song nếu giáo dục không đúng và định hướng “không chuẩn”, không sát điều kiện thực tế của chính bản thân con trẻ và gia đình thì con trẻ không những không phát huy được khả năng của mình mà còn luôn cảm thấy căng thẳng, dễ dẫn đến suy sụp tinh thần và thể chất.
Cha mẹ, thành viên khác trong gia đình và người chăm sóc trẻ cần được trang bị các kỹ năng lắng nghe trẻ em, ghi nhận, phản hồi tích cực các ý kiến hay đề xuất của trẻ em. Cha mẹ cần thực hành kỷ luật tích cực và giáo dục không bạo lực, không sử dụng hình phạt để bảo vệ trẻ khỏi bị bạo lực và xâm hại, tiến tới xóa bỏ tất cả các hình thức trừng phạt thể chất và tinh thần đối với trẻ em. Cha mẹ cần tìm hiểu và biết được những nguy cơ đối với trẻ em để từ đó có các biện pháp để phòng ngừa cho trẻ em. Cha mẹ cần nhận thức rõ nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con ngay từ trước khi con được sinh ra. Có nghĩa là ngay từ khi còn là thai nhi, cha mẹ đã phải chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho bà mẹ, thăm khám thai định kỳ để đảm bảo con được sinh ra khỏe mạnh. Khi con được sinh ra, cha mẹ chăm sóc con không đơn thuần là xuất phát từ tình yêu thương tự phát mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ do pháp luật quy định. Có như vậy mới có thể không tùy tiện, “được chăng hay chớ” trong việc chăm sóc và giáo dục con. Cha mẹ có nghĩa vụ phải thực hiện các công việc đó đến khi con trưởng thành. Cha mẹ không được thực hiện các hành vi bị cấm đối với trẻ em nói chung và con, em mình nói riêng. Trên thực tế, nhiều trẻ em bị bóc lột sức lao động, lang thang, mồ côi, vi phạm pháp luật, nhiễm HIV/AIDS, khuyết tật... là do cha mẹ, đặc biệt có những trường hợp cha mẹ đẩy con ra khỏi nhà lang thang kiếm sống, hoặc xâm hại tính mạng, tình dục chính con đẻ của mình... Đây chính là những hành vi vi phạm pháp luật của cha mẹ, dẫn đến trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt đó. Việc xử lý các hành vi này của cha mẹ cũng cần xem xét để nâng cao nhận thức, ý thức pháp luật của cha, mẹ.
Cha mẹ cần thân thiện yêu thương con, khuyến khích, khen ngợi con khi con làm việc tốt. Khi con phạm lỗi, cha mẹ nên phân tích, giảng giải để giúp con hiểu những việc làm của mình là không phù hợp. Trẻ em cần được cảm thấy an toàn tại gia đình, trong nhà trường và trong cộng đồng của mình. Tuy nhiên, kỷ luật mang tính bạo lực vẫn còn phổ biến ở Việt Nam. Trong nhiều gia đình, bạo lực được sử dụng làm phương tiện để thiết lập hệ thống phân cấp vị thế của của nam giới và củng cố nam tính trong gia đình. Có các hành vi như vậy xuất phát từ ảnh hưởng của khả năng tài chính, trình độ học vấn của cha mẹ và các vấn đề khác như lạm dụng rượu hoặc ma túy, giải quyết tâm lý của cha, mẹ dồn vào trẻ em. Vì vậy, cha mẹ chấm dứt việc sử dụng trừng phạt về thể chất và tinh thần đối với con. Có như vậy con cái mới cảm nhận được tình yêu thương của cha mẹ, là động lực để con hướng thiện. Từ đó củng cố sự gắn kết tình cảm giữa cha mẹ và con và đẩy lùi bạo lực gia đình.
Để hướng tới môi trường an toàn, hạnh phúc, mọi trẻ em đều có quyền được bảo vệ khỏi bạo hành, bạo lực bất kể do tính chất, bản chất hay mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo hành. Mọi hình thức bạo hành đều có thể gây hại cho trẻ em, giảm lòng tự trọng, sự tôn trọng nhân phẩm của trẻ em nên những cách thức bảo vệ trẻ em ở cấp độ phòng ngừa cần quan tâm giáo dục tuyên truyền tới cha mẹ và trẻ em, từ đó gây dựng những hiểu biết nhất định đối với những chủ thể này. Xây dựng các biện pháp giáo dục để nâng cao năng lực và khả năng chống chịu của cha mẹ và người chăm sóc trẻ em để hạn chế tối đa và chấm dứt tình trạng kỷ luật bạo lực trong gia đình. Vai trò của các cơ quan, tổ chức, cá nhân là vô cùng quan trọng để cha, mẹ không đơn độc và bế tắc trong việc giáo dục và chăm sóc trẻ em. Các khóa tập huấn để tăng cường giáo dục kỹ năng làm cha mẹ đồng thời cung cấp dịch vụ chăm sóc xã hội để hỗ trợ các gia đình giải quyết được các yếu tố dẫn đến bạo lực đối với trẻ em. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng được hỗ trợ để khuyến khích và bảo vệ con em mình khỏi bị bạo hành từ đó giúp các em chuyển tiếp một cách an toàn sang bậc học mầm non và tiểu học cản trở sự phát triển của trẻ em, đặc biệt trong giai đoạn Việt Nam và các quốc gia khác bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc cách ly xã hội và những biện pháp ngăn chặn bệnh dịch kèm với áp lực kinh tế và xã hội tăng lên đối với các gia đình đang dẫn đến bạo lực tăng lên, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em gái. Tại Việt Nam, 21 triệu trẻ em không đến trường và cách ly ở nhà trong thời gian qua. Hiện thực mới này tác động trực tiếp đến sự chăm sóc, bảo vệ và an toàn của trẻ em. Đồng thời, cha mẹ cần có cách ứng xử văn minh, tôn trọng lẫn nhau. Một nghiên cứu cho thấy, đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể bị ảnh hưởng tiêu cực bởi những tranh cãi gay gắt của cha mẹ. Khi chứng kiến cha mẹ cãi nhau công khai, em bé dù mới 6 tháng tuổi đã có phản ứng cảm xúc mạnh như nhịp tim tăng cao hơn so với lúc chứng kiến cảnh mâu thuẫn của những người lạ. Đối với trẻ ở lứa tuổi lớn có thể bị ảnh hưởng lớn hơn, đặc biệt thường có biểu hiện bên ngoài như hung hăng, thù địch và bạo lực hơn, còn bên trong thì tự kỷ, lo lắng, buồn phiền và thậm chí có ý nghĩ tự tử. Do vậy, để trẻ em được phát triển về thể chất, tâm lý, đạo đức, trí tuệ thì cha mẹ và các thành viên gia đình cần xây dựng môi trường gia đình an toàn, hạnh phúc, trong đó mọi người yêu thương, tôn trọng lẫn nhau. Trong mỗi gia đình, kết hợp giữa giáo dục truyền thống với hiện đại. Cha mẹ, ông bà không chỉ giáo dục con trẻ đạo đức và văn hóa gia đình mà cần giáo dục yêu lao động, giáo dục phát triển trí tuệ, giáo dục thể lực toàn diện, giáo dục thẩm mỹ; trong đó, việc giáo dục, dạy dỗ về thái độ, cử chỉ, giao tiếp và ứng xử lễ nghĩa, kính trọng người già, chăm lo, nhường nhịn người nhỏ tuổi vô cùng cần thiết. Trẻ em được uốn nắn, phê phán, ngăn chặn thái độ, cử chỉ bất nhã, bất hiếu của con trẻ mà còn rèn tính tự giác trong học tập, suy nghĩ, sinh hoạt đúng giờ, gọn gàng ngăn nắp, kỹ năng sống... giúp con trẻ hình thành nhân cách, sớm ý thức được trách nhiệm của mình đối với mọi người và mọi người đối với mình trong gia đình.
Với điều kiện văn hóa, xã hội hiện nay ở Việt Nam còn tồn tại hiện tượng “trọng nam khinh nữ” vì vậy để tiến tới một xã hội bình đẳng cần nhìn nhận lại vai trò của phụ nữ trong tiến trình phát triển, thúc đẩy cộng đồng thực hiện các chính sách hỗ trợ nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái và phụ nữ, đặc biệt là trẻ em gái ở các gia đình sinh con một bề là gái. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Vận động từng bước làm thay đổi nhận thức và tư tưởng lạc hậu về sinh con trai, con gái.
Việc nâng cao nhận thức của cha mẹ có thể thực hiện bằng nhiều cách khác nhau: Tổ chức các chiến dịch tuyên truyền, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng như đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí, băng rôn, khẩu hiệu, palô, áp phích... về Luật trẻ em, về các quyền trẻ em trách nhiệm của các chủ thể trong việc bảo đảm quyền của trẻ em... Tổ chức các hoạt động tư vấn trực tiếp tại cộng đồng về các quyền của trẻ em, tổ chức các buổi toạ đàm, hội thảo về quyền trẻ em, phát song các chương trình truyền thanh, truyền hình về các tấm gương, các bài học khi vi phạm các quyền trẻ em...
Song song với xây dựng gia đình hạnh phúc, xây dựng Nhà trường hạnh phúc cũng là mục tiêu của xã hội. Các chính sách đầu tư cho giáo dục cần ưu tiên yếu tố hạnh phúc cùng với các hoạt động giáo dục, bảo đảm an toàn trẻ em. Bằng quyền, nghĩa vụ của mình mà nhà trường sẽ phân công giáo viên đảm nhận chức vụ quản lý học sinh trong suốt quá trình giảng dạy để nắm bắt được đầy đủ tình hình học sinh của mình quản lý về mọi mặt từ học tập, hoạt động ngoại khóa, quy tắc trong giao tiếp ứng xử. Trong trường hợp đặc biệt cần liên hệ cho phụ huynh về tình hình học tập cũng như những hoạt động thiếu ý thức của trẻ em.
4.1.2. Bộ Lao động – Thương binh và xã hội chủ trì, tổ chức phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các Bộ khác tổ chức tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em
Biện pháp tuyên truyền pháp luật cần được nâng cao về chất lượng cũng như hình thức. Việc tuân thủ pháp luật sẽ được nghiêm túc khi việc hiểu và gắn pháp luật trong đời sống xã hội. Đối tượng tuyên truyền cần tập trung vào đối tượng trẻ em bởi chỉ khi hiểu rõ các quyền, lợi ích và bổn phận của mình, trẻ em sẽ là người bảo vệ tốt nhất cho chính mình. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và xã hội có trách nhiệm chủ trì trong việc thực hiện quyển trẻ em và bảo đảm thực hiện sẽ phối hợp với các Bộ liên quan để xây dựng chương trình, nội dung tuyên truyền pháp luật về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em để pháp luật đi đến với mọi người dân. Muốn vậy, việc tập hợp các nguồn lực, biện pháp để có hình thức và nội dung tuyên truyền phù hợp là cần thiết.
Nội dung tuyên truyền cần xây dựng đảm bảo văn phong mộc mạc dễ hiểu để bất cứ người dân nào với hiểu biết thông thường cũng có thể tiếp thu. Các nội dung cần thể hiện đầy đủ tính liên ngành của pháp luật Việt Nam trong bảo vệ trẻ em. Ví dụ như: Sổ tay xử lý nghi ngờ hoặc phát hiện trẻ em bị xâm hại tình dục150 đã hướng dẫn các bước cần thực hiện khi nghi ngờ, phát hiện hành vi xâm hại tình dục với trẻ em, các bước tiến hành để thực hiện việc tố cáo người có hành vi xâm hại như: nhận dạng kẻ xâm hại, nơi tố cáo kẻ xâm hại trẻ em, nếu khi tố cáo bị đe dọa thì phải làm gì, những lưu ý với cơ quan công an không tuân thủ các quy định pháp luật... Đặc biệt lưu ý đối với cha, mẹ và thành viên gia đình quan tâm để bảo vệ và chăm sóc tinh thần, sức khỏe thể chất của trẻ em sau khi bị bạo lực. Áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền trẻ em trong cấp độ can thiệp thật linh hoạt với mục đích cuối cùng là bảo vệ trẻ em với mọi nguy cơ, đặc biệt lưu ý với lộ bí mật thông tin của trẻ em.
Cần đặc biệt tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật có trọng điểm ở những địa bàn vùng sâu vùng xa còn nhiều hủ tục lạc hậu để nhân dân có thể hiểu biết hơn về các vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bắt cóc trẻ em... cũng như các vấn đề khác nổi cộm hiện nay. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền để người dân thực hiện việc đăng ký khai sinh, bảo đảm cho mọi trẻ em sinh ra đều được khai sinh, việc đăng ký nhận nuôi con nuôi phải đúng qui định của pháp luật. Việc hướng dẫn, giải thích và thường xuyên kiểm tra đối với các hoạt động trợ giúp pháp lý cho trẻ em nhất là đối với trẻ em vi phạm pháp luật, đồng thời tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi con nuôi, tránh tình trạng nuôi con nuôi với mục đích lạm dụng sức lao động, tình dục cần được quan tâm tuyên truyền, bởi bộ phận này sẽ hỗ trợ được nhanh và chuyên nghiệp cho đối tượng trẻ em theo từng mức độ bảo vệ.
Vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tích hợp nội dung tuyên truyền pháp luật về bảo vệ trẻ em trong chương trình học tập của học sinh được đánh giá cao và quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, ý thức tự bảo vệ quyền trẻ em của mình. Việc xây dựng nội dung, cách tiếp cận và tổ chức học tập, giảng dạy môn Giáo dục công dân, Đạo đức, để trẻ em nắm bắt kiến thức pháp luật về quyền và nghĩa vụ công dân nói chung cũng như quyền trẻ em nói riêng liên tục trong cả quá trình phát triển sẽ có ý nghĩa quan trọng, định hướng hành vi chi trẻ em khi trưởng thành. Những nội dung giáo dục đạo lý, đạo đức cho trẻ em không chỉ có giá trị với thầy/cô giáo trong nhà trường mà còn có ý nghĩa cho các bậc phụ huynh trong quá trình rèn giũa con, em mình tại gia đình và xã hội.
Tóm lại, việc bảo vệ quyền trẻ em theo Luật Hôn nhân và gia đình đã xác định chủ thể quan trọng và có ý nghĩa quyết định đến môi trường tự nhiên của trẻ em trong quá trình phát triển là cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Để hỗ trợ các thành viên gia đình bảo vệ tốt các quyền trẻ em còn cần những biện pháp, những điều kiện về chính sách, môi trường xã hội để giúp cho môi trường tự nhiên của trẻ em luôn an toàn cho sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Theo: Nguyễn Thị Hạnh
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1HLstYqVahRReSa2YdJhVrAbNdOHfYy4z/edit