LÝ LUẬN CHUNG VỀ QUYỀN CỦA NGƯỜI BỊ HẠI TRONG TỐ TỤNG HÌNH SỰ
2.2. Lý luận chung về quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự
2.2.1. Khái niệm quyền của người bị hại trong tố tụng hình sự
Theo định nghĩa của Liên hợp quốc “Quyền là mối quan hệ giữa một cá nhân (hoặc một nhóm các cá nhân) được yêu cầu chính đáng đối với một cá nhân (hoặc một nhóm cá nhân) khác có nghĩa vụ hoặc trách nhiệm liên quan tới yêu cầu đó. Trong mối quan hệ này, cá nhân đầu tiên là bên có quyền (hoặc chủ thể của quyền) và cá nhân
thứ hai là bên có trách nhiệm (hay khách thể của quyền)”. Quyền bao gồm: Quyền đạo đức, quyền theo hợp đồng, quyền theo quy định của pháp luật và quyền con người.
Quyền của NBH trong TTHS hiểu một cách khái quát nhất chính là sự cụ thể hóa các quyền con người trong lĩnh vực tư pháp hình sự được qui định dành cho NBH khi họ tham gia vào các mối quan hệ pháp luật TTHS. Đây còn được coi là một tiêu chuẩn về nhân quyền trong tư pháp hình sự.
Ở Việt Nam, khái niệm quyền của NBH trong TTHS là một khái niệm mới, chưa được định nghĩa trong các hệ thống sách giáo khoa hay các công trình nghiên cứu khoa học về quyền con người nói chung hay về quyền con người trong TTHS nói riêng. Mặc dù, đến thời điểm hiện tại, đã có một số khái niệm về quyền con người trong TTHS nhưng chỉ chủ yếu tập trung và nhấn mạnh đến quyền của người bị buộc tội mà chưa đề cập hoặc quan tâm đúng mức đến khái niệm quyền của NBH.
Qua nghiên cứu, tác giả đưa ra khái niệm quyền của NBH trong TTHS như sau:
“Quyền của NBH trong TTHS là những quyền con người được dành cho người bị thiệt hại do tội phạm gây ra khi họ tham gia vào các quan hệ pháp luật TTHS.”
Khác với quyền con người nói chung, quyền của NBH trong TTHS là quyền có điều kiện. Quyền của NBH chỉ phát sinh khi và chỉ khi đồng thời thỏa mãn 2 điều kiện:
(1) Khi họ (cá nhân hoặc pháp nhân) bị hành vi tội phạm gây thiệt hại và (2) họ tham gia (chủ động hoặc bị động) vào quá trình TTHS.
2.2.2. Chủ thể của quyền
Chủ thể của quyền được xác định là NBH và những người có các quyền của NBH. Bao gồm:
+ NBH: Là người bị hành vi tội phạm trực tiếp gây thiệt hại, được Cơ quan THTT công nhận là NBH.
+ Người đại diện hợp pháp của NBH là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất (sau đây gọi tắt là người đại diện hợp pháp của NBH)
Về NBH đã được Luận án định nghĩa và phân tích các đặc điểm tại các mục 2.1.
Đối với người đại diện hợp pháp của NBH cần làm rõ thêm một số vấn đề sau:
Người đại diện hợp pháp của NBH là người mà theo quy định của pháp luật hoặc theo uỷ quyền họ tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính bản thân họ. Người đại diện hợp pháp của NBH phải là một con người cụ thể chứ không thể là cơ quan, tổ chức. Họ phải là người đã thành niên và đủ năng lực hành vi để tham gia tố tụng và không thuộc trường hợp pháp luật cấm.
Thực tiễn xét xử có nhiều trường hợp Toà án xác định người đại diện hợp pháp của NBH không đúng nên bản án đã bị Toà án cấp phúc thẩm hoặc Toà án cấp giám đốc thẩm huỷ để xét xử lại như: xác định một người mới 9 tuổi là người đại diện hợp pháp của NBH đã chết; xác định anh, chị, em ruột của NBH là người đại diện hợp pháp, trong khi NBH đã chết nhưng còn có vợ hoặc chồng, bố, mẹ hoặc con đã thành niên; xác định không đầy đủ người đại diện hợp pháp của NBH trong trường hợp có nhiều cùng là người đại diện hợp pháp và những người này không uỷ quyền cho bất cứ người nào làm đại diện như: chỉ xác định một người là người đại diện hợp pháp của NBH, trong khi còn có những người khác cũng là người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH.v.v…
Người đại diện hợp pháp của NBH bao gồm: Người đại diện đương nhiên và người đại diện do được uỷ quyền.
+ Người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH: Người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH là người mà theo pháp luật họ đương nhiên được tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính bản thân họ.
Theo quy định của BLTTHS thì trong các trường hợp NBH chết, NBH là người chưa thành niên, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất thì phải có người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của NBH hoặc của chính bản thân người đại diện.
+ Người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền của NBH: Người đại diện hợp pháp của NBH theo uỷ quyền là người được NBH hoặc người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH uỷ quyền tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NBH hoặc của chính mình.
Khác với người đại diện hợp pháp dương nhiên của NBH, người đại diện hợp pháp theo uỷ quyền khi tham gia tố tụng chỉ được thực hiện những quyền và nghĩa vụ trong phạm vị được uỷ quyền. NBH hoặc Người đại diện hợp pháp đương nhiên có thể uỷ quyền toàn bộ quyền và nghĩa vụ của mình cho người đại diện hợp pháp được uỷ quyền, nhưng cũng có thể chỉ uỷ quyền một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Đây là vấn đề thực tiễn xét xử các Toà án thường mắc sai lầm, cứ cho rằng NBH hoặc người đại diện hợp pháp dương nhiên đã uỷ quyền cho người khác thì người được uỷ quyền có tất cả các quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền nên khi giải quyết vụ án đã không chú ý đến phạm vi được uỷ quyền.
Trường hợp có nhiều NBH hoặc nhiều người đại diện hợp pháp đương nhiên của NBH, trong đó có người uỷ quyền cho người khác có người tự mình tham gia tố tụng thì người được uỷ quyền chỉ được thực hiện phạm vi quyền và nghĩa vụ của người đã uỷ quyền cho mình, chứ không được thực hiện quyền và nghĩa vụ của tất cả những người đại diện đương nhiên của NBH.
2.2.3. Nghĩa vụ thực thi quyền
Tiếp cận nghiên cứu quyền của NBH dựa trên cơ sở quyền con người xác định: Quyền của NBH trong TTHS chính là mối quan hệ pháp lý trong đó NBH được yêu cầu chính đáng đối với người THTT hoặc đối với Cơ quan THTT nhằm thực hiện một trách nhiệm liên quan tới việc thực hiện quyền của NBH.
Ví dụ, khi qui định NBH có quyền được biết kết quả điều tra, đồng nghĩa với việc qui định trách nhiệm của CQĐT phải gửi hoặc tống đạt, hoặc thông báo bản kết luận điều tra VAHS tới cho NBH. Xuất phát từ cách tiếp cận đó, khi nghiên cứu về chủ thể có quyền (ai là NBH và NBH có quyền gì) luôn phải đặt trong mối quan hệ tương ứng: vậy ai là chủ thể có nghĩa vụ và phải thực hiện nghĩa vụ gì? Vậy nên, trong mối quan hệ giữa quyền và nghĩa vụ thực thi quyền luôn theo mô hình sau: Bên có quyền chính là NBH (chủ thể mang quyền), phía có nghĩa vụ thực thi các quyền đó cho NBH (Chủ thể có nghĩa vụ) chính là Cơ quan THTT (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án).
Sơ đồ 1: Mối quan hệ giữa Cơ quan THTT (chủ thể có nghĩa vụ) và NBH (Chủ thể mang quyền)
Nghĩa vụ thực thi quyền có thể chia làm 3 loại (mức độ) khác nhau, gồm: Nghĩa vụ tôn trọng, nghĩa vụ thi hành và nghĩa vụ bảo đảm.
Nghĩa vụ tôn trọng đòi hỏi cơ quan THTT, người THTT phải hiểu rõ về các quyền của NBH và kiềm chế không can thiệp vào việc thụ hưởng quyền của NBH. Ví dụ: Đối với các tội được qui định tại K.1, Đ.105 BLTTHS, Cơ quan THTT chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của NBH, và trong suốt quá trình tiến hành tố tụng, NBH có thể rút đơn yêu cầu khởi tố bất cứ lúc nào và vụ án sẽ được đình chỉ. Ví dụ sau là một điển hình:
Trường hợp NBH rút yêu cầu khởi tố, cơ quan THTT chuyển tội danh để xử lý là không tôn trọng quyền của NBH, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng:
Vụ án cố ý gây thương tích xẩy ra tại xã Phúc Lâm, Chương Mỹ, Hà Nội (tháng 8/2008), bị can là Nguyễn Văn Quy và Nguyễn Văn Ca (2 anh em ruột) có hành vi cố ý gây thương tích cho anh Nguyễn Hoàng Dương vì anh Dương không trả tiền nợ 1,4 triệu đồng cho 2 anh em Quy. Anh Dương làm đơn đề nghị khởi tố về hành vi cố ý gây thương tích và cướp tài sản. Tuy nhiên, Bản kết luận điều tra và cáo trạng của CQĐT và VKS huyện Mỹ Đức kết luận hành vi của Quy và Ca chưa cấu thành tội cướp tài sản. Sau đó do NBH và bị can thỏa thuận được với nhau nên NBH không đi giám định thương tật. Ngày 22/1/2009: Công văn trả lời của ông Lê Xuân Văn (Phó trưởng Công an huyện Mỹ Đức) trả lời NBH: do Dương không chịu đi giám định thương tật, nên vụ án tạm đình chỉ. Ngày 23/2/2013, anh Dương có biên bản giám định thương tích số 434/C54 của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an, ghi mức độ tổn hại sức khỏe của anh Dương là 2%. Ngày 2/3/2013, Bị can bồi thường cho bị hại 20 triệu đồng và anh Dương làm đơn xin miễn TNHS cho bị can. Ngày 14/3/2013, Công an huyện Mỹ Đức ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với anh Quy và Ca về tội “Cướp tài sản”, dù trong hồ sơ vụ án không có thêm nhiều tình tiết mới.
Nghĩa vụ thi hành đòi hỏi Nhà nước phải phân công chủ thể có nghĩa vụ thi hành các chiến lược hoặc biện pháp, hành động cụ thể để thực thi quyền đó. Ví dụ: NBH có quyền trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên tòa nhưng trên thực tế trong phiên tòa xét xử, về phía chủ tọa phiên tòa, “thường chỉ quan tâm đến việc đối đáp giữa Kiểm sát viên với người bào chữa và bị cáo, còn đối với người khác rất ít được quan tâm”
Nghĩa vụ bảo đảm đòi hỏi Nhà nước phải chủ động đưa ra những biện pháp, những sáng kiến trong xây dựng thể chế, pháp luật, cơ chế nhằm ngăn chặn sự vi phạm
các quyền đó. Trước đây, việc thực hiện quyền được thông báo kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm của NBH rất ít được quan tâm thực hiện. Chưa có qui định về cơ chế thực hiện như: thời hạn giải quyết tố giác tội phạm là bao lâu? Ai sẽ phải trả lời cho NBH? trả lời bằng hình thức gì? Thông tư liên tịch số 06/2013 “Hướng dẫn thi hành quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố” là một ví dụ điển hình trong nỗ lực của Nhà nước nhằm thực hiện nghĩa vụ bảo đảm quyền của NBH.
2.2.4. Cơ chế bảo đảm quyền
Cơ chế bảo đảm quyền của NBH trong TTHS (crime victims’ rights mechanism) là khái niệm dùng để chỉ các cơ quan chuyên trách, các hệ thống quy tắc, thủ tục và qui định của pháp luật có liên quan được thiết lập để thúc đẩy, bảo vệ quyền của những NBH (nạn nhân) trong các VAHS.
2.2.4.1. Cơ chế quốc tế
Tuyên ngôn về các nguyên tắc cơ bản của tư pháp hình sự về nạn nhân của tội phạm và lạm dụng quyền lực (29/11/1985) và Tuyên bố về các nguyên tắc và hướng dẫn cơ bản về việc đền bù và bồi thường cho nạn nhân bị xâm phạm nghiêm trọng quyền con người (2006) là 2 văn bản pháp lý quan trọng làm nên cơ chế pháp lý bảo vệ quyền của NBH ở cấp quốc tế. Các cơ quan chuyên trách bảo vệ quyền của NBH ở cấp độ quốc tế gồm: Tòa hình sự quốc tế (ICC), Thủ tục đặc biệt, Chương trình bồi thường nạn nhân, Tổ chức nạn nhân học thế giới WSV và Trung tâm nghiên cứu và lưu trữ thông tin về nạn nhân.
2.4.1.2. Cơ chế khu vực
a) Cơ chế Châu Mỹ.
Xét về lịch sử cũng như qui mô phát triển thì quyền con người ở Châu Mỹ có bề dày thành tích có phần thua kém Châu Âu. Ví dụ: Ủy ban quyền con người Châu Mỹ (Inter-American Commission on Human Rights - IACHR) được thành lập năm 1959 (ra đời sau Ủy ban quyền con người Châu Âu năm 1954), Công ước Châu Mỹ về quyền con người (American Convention on Human Rights) ra đời năm 1969 (chậm hơn 19 năm so với Công ước Châu Âu về bảo vệ quyền con người và các quyền tự do cơ bản – The European Convention for the Protection of Human Rights and Fundermental Freedoms, 1950).
Năm 1993, trong cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị thế giới lần thứ hai về quyền con người, các quốc gia Châu Á đã nhóm họp tại Băngcốc và đưa ra Tuyên bố Băngcốc về quyền con người (The Bangkoc Declaration of Human Rights). Năm 1997, một tổ chức phi chính phủ có tên Ủy ban quyền con người Châu Á (Asian Human Rights Commission) được thành lập. Tuy nhiên cả văn kiện và tổ chức này không được thừa nhận và mang tính pháp lý trong khu vực, ảnh hưởng của nó trên thực tế với các nước Châu Á là rất hạn chế. Vì vậy có thể nói, Châu Á là châu lục lớn nhất, với số dân chiếm ½ thế giới, nhưng lại là châu lục duy nhất chưa thiết lập được cơ chế chung bảo vệ quyền con người nói chung, chưa nói đến một cơ chế riêng bảo vệ quyền của NBH.
Tháng 10/2009, Đông Nam Á với Hiệp hội ASEAN (gồm 10 quốc gia thành viên) đã thành lập được cơ chế khu vực đầu tiên bảo vệ và thúc đẩy quyền con người với tên gọi Ủy ban Nhân quyền liên chính phủ (AICHR). UICHR giữ vai trò là Cơ quan nhân quyền của ASEAN, được thành lập theo Điều 14 Hiến Chương của Hiệp hội quốc gia Đông Nam Á. Tiếp sau cơ chế AICHR, ngày 7/4/2010 tại Trung tâm hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà nội, Ủy ban thúc đẩy và bảo vệ quyền phụ nữ và trẻ em ASEAN, gọi tắt là ACWC, đã ra đời.
Như vậy, tính đến nay, ASEAN hiện có hai cơ chế làm việc nhằm bảo vệ và thúc đẩy quyền con người: AICHR và ACWC, nhưng chưa có cơ chế chính thức nhằm bảo đảm quyền của NBH.
Theo: Đinh Thị Mai
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1WydPML7O6hrfyoh4yZeLXUDi6i076qmm/edit