CƠ SỞ LÝ LUẬN - THỰC TIỄN GHI NHẬN MÔ HÌNH KHU CNC
2.1. CƠ SỞ KINH TẾ ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG CỦA KHU CNC
2.1.1. Vai trò của Khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế
Ngày nay, rất dễ để chúng ta nhận ra rằng, sức người (thuần tuý) – nhân tố cốt lõi của kinh tế chiếm hữu nô lệ, đất đai – nền tảng của kinh tế phong kiến, và vốn – trụ cột của kinh tế tư bản không còn là yếu tố trọng tâm trên chặng đường phát triển của mỗi quốc gia. Kinh tế tri thức và hiện tại nền kinh tế số, đã phản ánh rằng, chính tri thức mới đủ sức kéo nền kinh tế đi lên, đặc biệt là đối với các nền kinh tế nhóm dưới. Khá ấn tượng là, chính các nước thuộc OECD là bằng chứng tiếp theo cho sự dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức sau công nghiệp. Ý nghĩa hơn hết là ở đó, hiệu suất và sự phát triển được quyết định phần nhiều bởi mức độ thay đổi kỹ thuật và khả năng hấp thụ tri thức. Quan trọng là, thực tiễn sinh động đó là thành quả của một chặng đường tiến bước của các nền kinh tế trong suốt mấy thập kỷ quả, trên cơ sở vận dụng tối đa các lý thuyết mới về vai trò của Khoa học – công nghệ được các kinh tế gia khai sáng.
Tham khảo quan trọng trong số các tranh luận về công nghệ (có thể xem là đại diện tiêu biểu cho tri thức) là các thảo luận của nhà kinh tế học tân cổ điển Schumpeterian, người khá thích thú với sự năng động lâu dài của nền kinh tế tư bản (vốn), bao gồm điểm rơi chu kỳ, cả ngắn và dài hạn. Một trong số những đóng góp quan trọng nhất của các đánh giá về chu kỳ kinh tế là những gì thuộc về lý luận kinh tế - công nghệ, là hệ thống công nghệ có ảnh hưởng rất lớn (deep) vào cách thức mà nền kinh tế phản ứng và điều này đã làm thay đổi các lập luận thống trị về hành vi kinh tế. Ở khía cạnh này, công nghệ đuợc mô tả là một tiến trình xuất hiện, tăng và giảm tốc của các luận thuyết kinh tế - công nghệ mới .Thực ra, nhìn nhận vai trò quan trọng của tri thức trong phát triển kinh tế không phải là ý kiến mới. Adam Smith đã đề cập đến đóng góp quan trọng của đội ngũ chuyên gia. Friedrich List nhấn mạnh đến các thiết chế và hạ tầng tạo ra và đóng góp về mặt tri thức. Schumpeter và nhóm quan điểm này thì đưa ra quan điểm về vai trò của sáng tạo đối với quá trình phát triển năng động của nền kinh tế. Các tiếp cận đền tảng đó là tiền đề tạo ra làn sóng nghiên cứu và phân tích về vai trò của kỹ thuật, tri thức và “sáng tạo” (innovation) trong suốt một thế kỷ qua. Dù vậy, các nghiên cứu ở giai đoạn đầu khá mơ hồ, không đánh giá cao, thậm chí còn bỡn cợt. Đáng chú ý như Harrod, người đã xây dựng mô hình phát triển kinh tế với tính chất trung lập của phát triển kỹ thuật (a neutral technical progress). Solow có ghi nhận yếu tố công nghệ (technology) trong hàm sản xuất tổng hợp nhưng vẫn xác định sự phát triển kỹ thuật một cách trung lập. Đến lượt mình, Simon Kyznets bắt đầu chứng minh sự quan trọng của đổi mới công nghệ (technology innovation) đối với quá trình phát triển kinh tế. Đặc biệt, dữ liệu thực nghiệm của Edward Denison đã minh thị đóng góp quan trọng của công nghệ đối với quá trình phát triển kinh tế. Hay nói cách khác, các nghiên cứu về tác động của công nghệ trong giai đoạn đầu không hoàn toàn phủ nhận vai trò trong quá trình tìm kiếm “các nhân tố đằng sau tốc độ phát triển của một quốc gia cụ thể” và cố gắng phân tích quá trình khuếch đại tri thức lẫn sáng tạo. Thậm chí, câu trả lời đã có thể được đưa ra ngay lúc đó là “nguồn cung các phát minh cũng như năng lực hấp thụ và kích ứng, được xem là tiền đề của phát minh, có vai trò rất lớn và luôn ẩn đằng sau tỷ lệ tăng trường hiệu suất của một quốc gia” . Dù vậy, các tiêu chuẩn nghiên cứu của Abramaovitz-Solow-Denison, cho rằng sự ảnh hưởng chỉ xảy ra trong ngắn hạn và bỏ qua tác động về dài hạn của sáng tạo đối với quá trình hấp thụ vốn dựa trên đầu ra và sự tăng trưởng hiệu suất .Nhưng bù lại, nhiều nghiên cứu đã ghi nhận sự tác động mức đầu tư lên mức độ đổi mới vì khi một tỷ lệ đầu tư quá nhỏ thì có quá nhiều sáng tạo hữu ích không thể diễn ra. Bù lại, quốc gia nào cũng có thể thay đổi mức đầu tư đó, đặc biệt là khi nó thúc đẩy quá trình đổi mới nhanh hơn. Tuy vậy, sau đó, công nghệ chỉ thực sự được nhìn nhận một cách chắc chắn và rõ ràng hơn sau khi Paul A. Samuelson công bố phân tích của mình. Đó là bài viết A Theory of Induced Innovation along Kennedy-Weizsacker Lines được công bố trên The Review of Economics and Statistics (REStat) vào năm 1965. Trên cơ sở ý kiến ban đầu của Christian Weizsacker trong những năm 1962-1963 [17] và phát biểu của Charles Kennedy tại seminar của MIT tổ chức vào tháng 5/1964 cũng như bài viết của ông ta trên Tạp chí Kinh tế vào tháng 9/1964 , Paul A. Samuelson đã phân tích khá kỹ các mô hình và công thức toán để chỉ ra tác động của công nghệ đến sự phát triển. Đến khi Nicholas Kaldor công bố các nghiên cứu có liên quan đến tác động của yếu tố thay đổi kỹ thuật đối với phát triển kinh tế thì nền móng của chủ thuyết nhấn mạnh vai trò của công nghệ có lẽ chính thức định hình và mở ra thời kỳ thu hút giới nghiên cứu tập trung đến biến này từ những năm 1960s. Kaldor thật ra vẫn bám sát mục tiêu chính của các học thuyết kinh tế là phản ánh bản chất của các biến phi kinh tế và theo đó, quan trọng hơn, góp phần trả lời câu hỏi tại sao một vài nơi là phát triển nhanh hơn nơi khác . Để làm điều đó, ông đã chỉ ra yếu điểm của các mô hình kinh tế hiện thời chỉ nhìn nhận tính “trung lập” của những thay đổi về kỹ thuật để dễ dàng đánh giá về tính chắc chắn của các kết quả từ mô hình . Hay nói cách khác, các mô hình đó đã không phân biệt sự chuyển biến trong kỹ xảo (techniques) (và cả trong hiệu suất – productivity) tạo bởi sự gia tăng vốn cho lao động và có được từ những phát kiến và đổi mới về mặt kỹ thuật (technical invention or innovation), ví dụ như là sự xuất hiện của các tri thức mới (new knowledge). Đương nhiên, hầu như (dù không phải tất cả) đổi mới về mặt kỹ thuật (technical innovations) đòi hỏi phải tiêu tốn nhiều tiền cho nhân công. Từ kết quả phân tích của mình, Kaldor cho rằng tốc độ hấp thụ vốn phụ thuộc vào độ nhạy về mặt kỹ thuật (technical dynamism), khả năng sáng kiến và giới thiệu kỹ năng sản xuất mới. Một xã hội mà sự thay đổi và tiếp nhận về mặt kỹ thuật diễn ra chậm chạp, hay thậm chí nhà sản xuất miễn cưỡng từ bỏ các phương thức sản xuất cũ để tiếp nhận kỹ năng mới thì đó sẽ là nơi mà mức độ tích lũy vốn nhỏ. Ngược lại, khả năng hấp thụ và mở rộng kỹ năng mới được giới hạn bởi chính khả năng hấp thụ vốn của nó . Thậm chí, có thể giả định rằng một vài sự gia tăng trong hiệu suất sẽ diễn ra ngay cả khi lượng vốn trên mỗi nhân công không thay đổi (hằng số) trong suốt một quãng thời gian vì khi đó luôn có sự đổi mới – cải thiện trong bố trí và tổ chức nhà máy. Các biến trong dòng lưu thông các ý tưởng mới và sự sẵn sàng trong tiếp nhận phản ánh sự dịch chuyển độ cao của đường cong của đường thay đổi kỹ thuật hơn là sự thay đổi đặc tính chung. Theo Kaldor, trong một nền kinh tế không tiến triển, với khả năng hấp thụ thay đổi kỹ thuật thấp, độ cao của đường cong thay đổi kỹ thuật thấp trong khi các khám phá mới và quan trọng thì sẽ làm kéo vị trí của đường này lên một cách đáng kể [23]. Đóng góp của Nicholas Kaldor cho lý thuyết kinh tế nói chung là rất lớn, gồm có lý thuyết về chu kỳ kinh doanh, về phân phối, và đặc biệt là hiệu quả Kaldor – Hick sau này. Tính hiệu quả của hàm tiến bộ kỹ thuật (technical progress function) được giới thiệu vào những năm 1950-1960 là một trong những đóng góp đó quan trọng của Kaldor đối với việc hình thành nên học thuyết phát triển mới. Ở đó, trên mô hình phân tích của mình, đóng góp ý nghĩa của nghiên cứu chính là kết luận về vai trò và phương thức tác động của những thay đổi kỹ thuật đối với sự gia tăng hiệu suất lao động và hiệu ứng của vốn . Có thể vẫn còn hạn chế, nhưng “riêng hàm tăng trưởng kỹ thuật là lý thuyết cần được tôn trọng”. Nói cách khác, nghiên cứu của Kaldor chứa đựng “một trong những thay đổi được phát triển bậc nhất đối với những chuẩn mực kỹ thuật không liên quan trong kinh tế học chủ đạo” . Chính nghiên cứu này đã thúc đẩy mạnh hơn quá trình nhìn nhận vai trò và sự đóng góp của đổi mới sáng tạo và công nghệ đối với nền kinh tế sau này. Bên cạnh đó, Paul M. Romer chính là đại diện tiêu biểu cho nhóm kinh tế gia hiện tại vẫn đang miệt mài nghiên cứu để khẳng định cho sự ảnh hưởng và tác động của yếu tố công nghệ. Gần như quá trình nghiên cứu của Paul đều gắn liền với việc định vị chỗ đứng cho các ý tưởng, ý tưởng mới và công nghệ. Đầu tiên là bài viết Increasing Returns and Long-Run Growth được Paul công bố vào năm 1986. Ở đó, ông đưa ra mô hình phát triển trong dài hạn với sự tham gia của tri thức (knowledge) như là một yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất. Kết quả đó chính là sự gia tăng của hiệu suất biên, đồng thời với sự giảm sút năng suất biên của vốn. Một điểm khá thú vị là, sự sáng tạo tri thức mới của một công ty được xem là ngoại tác tích cực đến hoạt động sản xuất của công ty khác, vì tri thức không thể bí mật và giữ kín mãi mãi . Nghiên cứu quan trọng tiếp theo của Paul được công bố vào năm 1990 chính là việc nhìn nhận thay đổi công nghệ là biến nội sinh như ông từng ít nhiều đề cập, thay vì chỉ là biến ngoại sinh như các nghiên cứu trước đó .Paul cho rằng, mức cải thiện về hiệu quả trên mỗi giờ làm việc ở Hoa Kỳ trước đó đều trực tiếp hay gián tiếp liên quan đến thay đổi về mặt công nghệ (technological change). Ngoài ra, có hai điểm chú ý khác trong nghiên cứu này của ông là, thay đổi về mặt công nghệ có thể đến từ cạnh tranh hoặc từ các quyết định đầu tư có chủ ý của doanh nghiệp vào nghiên cứu và phát triển . Những năm sau này, khi là nghiên cứu viên cao cấp của Viện nghiên cứu chính sách kinh tế Stanford (thuộc Đại học Stanford, Hoa Kỳ), Paul chuyển hướng nghiên cứu đến mô hình thiết chế và thể chế mới, là Charter cities . Vẫn trên cơ sở tiền đề nghiên cứu trước, với Paul, điểm mấu chốt vẫn là công nghệ đối với quá trình phát triển từ con số 0 của các thành phố kiểu này. Paul khẳng định, công nghệ là yếu tố nội dung và chính sự thay đổi về công nghệ sẽ kéo theo sự thay đổi về kinh tế và cải tạo xã hội, kể cả trong dài hạn. Vì vậy, cũng như thương mại quốc tế, các Charter cities chính là nơi hội tụ cư dân và đó là cơ hội để công nghệ được chia sẻ, và nhân lên hệ số sử dụng.
Điều đáng nói, các quan điểm này không ngừng phát triển và dần dần hình thành nên các mô hình của lý thuyết phát triển kinh tế nội sinh dựa vào sáng tạo. Một cách khái quát, đó là lý thuyết dựa vào quá trình sản xuất của các lĩnh vực dựa theo các ý tưởng trong nền kinh tế. Khi đó, mức độ sản sinh các ý tưởng mới mang chức năng vốn tri thức (stock of knowledge) và bao hàm cả các ý tưởng được hình thành trước đó cũng như mở rộng nỗ lực tăng cường ý nghĩa của vốn và nhân lực dành cho các ý tưởng đó.
Thực ra, trong suốt một quãng thời gian dài từ những năm 1960s đến những năm 1980s, học thuyết mới đồng thời với quan sát thực nghiệm về nguồn lực của thay đổi kỹ thuật luôn luôn đào sâu. Nghiên cứu tổng hợp của Vernon W. Rutan cho thấy, có ba hướng tiếp cận chính từ các nghiên cứu này. Quan tâm lớn nhất của các nghiên cứu giai đoạn 1960s-1970s là tập trung vào hàm ý của sự thay đổi trong nhu cầu và và nhân tố giá có liên quan, còn gọi là mô hình thay đổi kỹ thuật phát sinh thêm (induced technical change). Hai, giai đoạn từ những năm sau của 1970s đến năm đầu của 1980s chuyển hướng sang các mô hình tiến hóa bắt nguồn từ sự quay trở lại quan điểm của Schumpeter về nguồn lực phát triển kinh tế. Và cũng từ những năm đầu của 1980s,một nhóm nghiên cứu khác tiến hành dựa trên sự phát triển các mô hình “con đường phụ thuộc” (path dependent) về thay đổi kỹ thuật đã có trong lịch sử .Điều quan trọng là, theo Vernon, tất cả các nghiên cứunhư nội dung tổng hợp tiêu biểu ở trên, đều có những điểm yếu, và khó có mô hình nào áp dụng độc lập. Vì vậy, việc tích hợp các mô hình đó là đề xuất quan trọng của Vernon. Thậm chí, ông cũng cảnh báo rằng, một thách thức lớn trong tương lai chính là sự tích hợp các nghiên cứu lý thuyết và thực nghiệm dựa theo các lý thuyết này với các quan điểm mới về mối quan hệ giữa nguồn nhân lực (human capital), quy mô và nền thương mại mở theo các mô hình phát triển nội sinh mang tính vĩ mô .
Nhưng dù gì thì cho đến nay, dù ở mô hình phân tích nào, vai trò của công nghệ đối với quá trình phát triển là điều khó phủ nhận. Hay nói cách khác, đây là tâm điểm chú ý của hầu hết các nền kinh tế, khi các yếu tố đất đai, vốn, và lao động bị bão hòa do tác động của nền kinh tế mở, sự lưu thông tự do của các nguồn lực cũng như đặc tính chung của thế giới phẳng. Thay vào đó, “sự phát triển của nền kinh tế tri thức đã tạo ra sự gia tăng nhu cầu về sản sinh và sử dụng tri thức”. Chính sách khoa học và công nghệ vì vậy cần được chú ý vào việc tạo ra tri thức mới từ các nghiên cứu tiên phong (frontier research). Thậm chí, một nền kinh tế kém phát triển, có nhiều hạn chế về nguồn lực, ích lợi của việc phát triển khoa học và công nghệ còn dễ nhận thấy hơn thông qua sự khuếch tán của tri thức cũng như quá trình thực thi chính sách công nghệ hướng đến một mức phát triển công nghệ cao hơn. Tương tự, một nền kinh tế càng cách biệt với công nghệ thì càng phải phát triển nhanh hơn thông qua việc tiếp nhận và học theo các công nghệ hiện hữu từ các mối quan hệ mật thiết với các quốc gia gắn chặt với công nghệ .Tất cả những điều đó hàm ý về chiến lược phát triển dựa vào sự đổi mới trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.
Cụ thể điều này, phân tích của Luciano Boggio đã chỉ ra sự khác biệt giữa hai quốc gia giả định. Quốc gia thứ nhất có giá nhân công rẻ, nhưng có lợi thế về cơ hội nhận chuyển giao công nghệ cấp cao. Quốc gia thứ hai nền tảng công nghệ vượt trội lẫn mức lương cao, nhưng khả năng đổi mới và phát triển kinh tế theo quy mô bị giới hạn. Đương nhiên, khả năng đổi mới công nghệ thông qua việc tiếp thu và học theo của quốc gia thứ nhất là nhiều, và lớn hơn. Điều này chính là cơ sở để lý giải cho sự phát triển của Đức, Nhật Bản, và các nước NICs so với Hoa Kỳ từ sau chiến tranh thế giới thứ hai. Đặc biệt trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, theo như phân tích và diễn giải của OECD, việc chuyển giao và hệ thống hóa tri thức trong một khoảng cách quá xa đã được giảm thiểu chi phí rất nhiều. Và gần đây hơn nữa, điều này được thể hiện một cách rõ ràng hơn đối với cuộc cách mạng số. Kết quả, nhu cầu đẩy nhanh quá trình hệ thống hóa trí thức còn mang một hàm ý cho sự hình thành và phát triển thị trường chuyển giao tri thức, và ở đó, đến lượt mình, các giao dịch của thị trường được thúc đẩy bởi chính quá trình hệ thống hóa tri thức, kéo theo sự khuếch tán rất nhanh của tri thức trong một “xã hội thông tin” (the information society).
Cho đến nay, cũng đã có nhiều nghiên cứu thực nghiệm chỉ ra rằng, sự khác biệt rất lớn tính trên mỗi đơn vị đầu ra giữa các nước là về cơ bản do sự khác biệt về khả năng công nghệ, và lý do này hầu hết được phản ánh trong các nghiên cứu lý thuyết tổng hợp gần đây. Hiện tượng lợi ích giảm dần xuất hiện cho thấy nền kinh tế có thu nhập thấp không thể hi vọng gì theo kịp các nền kinh tế có thu nhập cao để có thể tiệm cận điều kiện sống tương tự bằng cách công cụ tập hợp nhân tố vốn hay đầu vào đơn lẻ. Trong dài hạn, chỉ có phát triển công nghệ nhanh hơn mới giúp các nước có thu nhập thấp hơn hội tụ (convergence) với mức thu nhập bình quân đầu người .
Bàn về vấn đề này, OECD cũng cho rằng, tri thức (được thể hiện dưới dạng trí lực và công nghệ) luôn là tâm điểm của sự phát triển kinh tế. Tuy nhiên, điều này chỉ thật sự được nhìn nhận trong những năm gần đây, khi ngày càng nhận thấy tầm quan trọng của nó. Kết quả, đầu ra và lao động phát triển nhanh nhất trong các ngành công nghiệp công nghệ cao .Lao động, vốn, nguyên liệu thô và năng lượng trong các hàm sản xuất truyền thống không còn hữu dụng nhiều. Thay vào đó, tri thức đã đóng góp trực tiếp hơn nhiều vào quá trình sản xuất, chứ không thuần túy mang tính ngoại tác. Đáng chú ý là, đầu tư vào tri thức còn có thể làm gia tăng năng lực sản xuất của các yếu tố khác và chuyển hóa chúng vào các quy trình và sản phẩm mới, và điều này là nhân tố mang tính quyết định trong phát triển kinh tế trong dài hạn .
Cũng tương tự, kết quả nghiên cứu thực nghiệm của OECD một lần nữa cho thấy, thay đổi về mặt công nghệ sẽ kéo theo sự gia tăng năng suất biên của các nguồn lực có liên quan thông qua việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư và nghiên cứu phát triển hay việc tạo ra cách thức tổ chức việc làm và các cấu trúc quản trị mới. Và đương nhiên, doanh thu (return) của hoạt động đầu tư cũng tăng. Phân tích kết quả phát triển kinh tế trong dài hạn của OECD cho thấy trong suốt thế kỷ 20 không cho thấy dấu hiệu nào trong sự sụt giảm tỷ lệ sinh lợi của đầu tư vào giáo dục và đào tạo .
Tựu trung lại, trong bối cảnh hướng đến một xã hội tri thức (a knowledge-based society), đổi mới sáng tạo sẽ thúc đẩy quá trình phát triển ở hai dạng thức. Một là, thông qua việc giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ mới hoặc đã được cải thiện gắn với các nhu cầu đang có hay còn tiềm ẩn trên thị trường, theo đó tạo ra các giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hai là, thông qua việc gia tăng năng suất của công ty khi sử dụng công nghệ mới đó. Điều đáng nói là, vai trò này vẫn có ý nghĩa đối với các nền kinh tế có trình độ công nghệ phát triển cao, và vì vậy đây vẫn còn là mục tiêu mà họ đang tiếp tục theo đuổi để có thể không ngừng “cải thiện năng lực công nghệ” .
Khó phủ nhận, kết quả này phụ thuộc rất lớn vào Chính sách phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia, và sự chuyển hóa chính sách đó vào chiến lược phát triển dựa vào sự đổi mới như đã nói. Về cơ bản, chiến lược này cần được tiếp cận ở ba góc độ: cơ sở hạ tầng công nghệ phát triển vượt trội, bộ chính sách khoa học – công nghệ dựa theo năng lực, và môi trường thể chế (sự chuyển giao mang tính phối hợp trong các chính sách và thiết chế của nhà nước).
Đương nhiên, tiến trình khám phá và tạo ra công nghệ thường là một quy trình tích hợp; hoàn thiện tri thức hiện tại để từ đó xuất hiện các ý tưởng mới. Tốc độ phát hiện các ý tưởng này vì vậy sẽ phụ thuộc vào khối kiến thức tích tụ, liên tục, và phát triển công nghệ là kết quả tất yếu của các phần phát triển nhỏ trước đó .Theo Stanislaw Gomulka, “sáng tạo ra cái hoàn mới là quá trình đi qua một số lượng lớn các cải thiện .Thậm chí, tiến trình phát triển này là sự tích hợp rất mạnh mẽ, khi các ý tưởng mới không chỉ xuất hiện từ các ý kiến đơn lẻ mà là từ sự kết nối của hai hay rất nhiều ý tưởng trước đó .Chính nhu cầu về sự tích hợp mạnh mẽ đó là xuất hiện nhu cầu rất lớn về sự liên kết cũng như tính liên tục trong nghiên cứu, tiếp cập, ứng dụng và đặc biệt là khả năng “khuếch tán” tri thức. Chính sự khuếch tán tri thức đó, trong nhiều mô hình nghiên cứu, đã tạo ra sự cải thiện tiếp theo và từ đó làm “gia tăng tham số cắt giảm chi phí” . Còn OECD thì nhấn mạnh mạng lưới tri thức (knowledge networks), nơi mà các doanh nghiệp có thể tìm thấy cho mình sự liên hợp (linkages) để thúc đẩy quá trình học hỏi tương tác trong nội bộ công ty. Thậm chí, chính mạng lưới và hệ thống cung cấp tri thức và thông tin được đánh giá có tầm quan trọng cốt lỗi (key importance) .
Chính sách khoa học công nghệ cũng như môi trường thể chế và thiết chế cho sự liên kết đó một lần nữa, như kết luận của Koh and Wong ở trên, khẳng định vai trò của mình. Theo OECD, các chính sách của nhà nước có liên quan đến khoa học – công nghệ, công nghiệp và giáo dục đều phải hướng đến trọng tâm mới là nền kinh tế tri thức. Đó là lý do vì sao, ảnh hưởng của sự tiến triển về mặt công nghệ lên nền kinh tế và phát triển về sau này thường được xem xét ở góc tiếp cận rộng, với nội dung của một hệ thống đổi mới quốc gia (NIS - national innovation system), và theo đó, NIS ngày càng trở nên quan trọng trong nền kinh tế tri thức .
Đến lúc này, định vị NIS và phân tích tác động của nó đối với quá trình phát triển còn có nhiều ý nghĩa hơn. Việc nắm bắt các yếu tố của NIS, kiến tạo và thực thi hiệu quảcác yếu tố của một NIS vì vậy phải là mục tiêu của chặng đường phát triển kinh tế. Đáng nói hơn là chính NIS đã trở một trong số nhóm lý thuyết quan trọng cho sự hiện hiện các chính sách phát triển công nghệ và các Khu CNC (STP).
Thực ra, khái niệm NIS đầu tiên được sử dụng bởi đầu tiên Freeman (1982) và Lundvall (1985) và sau đó trở thành một lĩnh vực nghiên cứu thật sự từ những năm 1990s, cùng với cơ sở lý thuyết về phát triển kinh tế nội sinh dựa vào sáng tạo như vừa đề cập ở trên . Dù vậy, cho đến nay cũng sẽ rất khó để một định nghĩa đơn lẻ nào đó về NIS được chấp nhận. Nhưng chắc chắn điểm nhấn quan trọng trong tiếp cận của NIS chỉ là một dạng thức tương tác hay một hệ thống thống nhất. Có nghĩa rằng, khái niệm về NIS về cơ bản gắn với tiền đề là “mối liên hệ gắn kết giữa các chủ thể có liên quan đến quá trình sáng tạo (innovation) chính là nhân tố quyết định đến quá trình cải thiện thành quả về mặt công nghệ của một quốc gia” và “sáng tạo và phát triển kỹ thuật chính là kết quả của các mối liên kết phức hợp giữa các chủ thể trong quá trình sản xuất”. Cho nên, mạng lưới và sự tương tác giữa các tổ chức, công ty và cá nhân khác nhau là yếu tố cực kỳ quan trọng trong NIS, hoạt động STP hay cả quá trình phát triển .
Theo: Lê Bích Loan
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1yXn6tCz5nEgwhK8_0Uvxh_PGvFg98p7O/edit?rtpof=true