NGUYÊN TẮC GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN BẰNG TÒA ÁN
2.1.1. Nguyên tắc giải quyết tranh chấp trong công ty cổ phần bằng tòa án
- Nguyên tắc bình đẳng
Bình đẳng là nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị năm 1966 và Hiến pháp nhằm bảo đảm mọi chủ thể trong những điều kiện tương ứng giống nhau đều có vị thế ngang nhau trước pháp luật. Nguyên tắc bình đẳng trong tố tụng dân sự được ghi nhận tại Điều 8 BLTTDS năm 2015. Nguyên tắc này khẳng định địa vị của cá nhân, tổ chức là như nhau, không phân biệt đối xử vì dân tộc, giới tính, tín ngưỡng, tôn giáo, thành phần xã hội, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, địa vị xã hội của mình .
Khi tham gia tố tụng tại Tòa án, cổ đông, công ty hay NQLCT đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ pháp lý. Theo đó, trong những điều kiện như nhau, các cổ đông có các quyền và nghĩa vụ như nhau. Trong những quan hệ có tính chất không ngang bằng, quyền bình đẳng được xác định theo nguyên tắc quyền của bên này tương ứng với nghĩa vụ bên kia và ngược lại. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên có tranh chấp không thể tự do áp đặt ý chí của mình đối với bên kia mà là sự thỏa thuận tự do và thống nhất ý chí của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp. Đồng thời, Tòa án không được thiên lệch với bất cứ đương sự nào trong suốt quá trình giải quyết vụ án. Trong một số trường hợp, Tòa án phải hỗ trợ các đương sự yếu thế trong những trường hợp luật định. Chẳng hạn, trong các vụ án tranh chấp giữa cổ đông và công ty, cổ đông thường là bên yếu thế trong việc thu thập tài liệu, chứng cứ do giấy tờ, sổ sách đều do công ty hoặc NQLCT quản lý và không tạo điều kiện cho cổ đông tiếp cận theo quy định. Do đó, nguyên tắc bình đẳng yêu cầu Tòa án phải có những hỗ trợ cần thiết trong trường hợp đương sự đã áp dụng các biện pháp cần thiết để thu thập tài liệu, chứng cứ mà vẫn không thể tự mình thu thập được.
- Nguyên tắc tự định đoạt của các đương sự
Tự định đoạt của đương sự trong giải quyết tranh chấp trong CTCP là quyền tố tụng quan trọng được pháp luật ghi nhận. Xuất phát từ quyền tự do ý chí trong giao dịch dân sự, quyền tự định đoạt của cổ đông và công ty trong giải quyết tranh chấp thể hiện ở việc chủ động lựa chọn phương thức giải quyết hoặc thực hiện hành vi tố tụng cụ thể của các bên để giải quyết tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, tự quyết định chấm dứt các quyền và lợi ích của mình. Cụ thể:
Một là, tự định đoạt phương thức giải quyết tranh chấp. Khi mâu thuẫn phát sinh trong quá trình quản lý, điều hành công ty, các bên có quyền chủ động trong việc vận dụng các phương thức giải quyết tranh chấp khác nhau. Trong thực tế, tùy vào tính gay gắt của mối quan hệ mà vụ việc vi phạm có thể được khiếu nại đến các cơ quan hành chính nhà nước để giải quyết theo thủ tục hành chính, hoặc tố cáo theo thủ tục tố tụng hình sự. Khi lựa chọn giải quyết theo tố tụng có tính dân sự, các bên cũng có quyền lựa chọn giữa các phương thức thương lượng, hòa giải, khởi kiện Trọng tài hoặc Tòa án.
Hai là, tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện. Theo đó, các bên có quyền tự quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc và Tòa án chỉ thụ lý giải quyết trong phạm vi yêu cầu đó. Quyền tự định đoạt của đương sự được cụ thể hóa thành các quyền tố tụng cụ thể như quyền khởi kiện, quyền giữ nguyên, thay đổi, bổ sung hoặc rút yêu cầu khởi kiện, quyền được đưa ra các yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các bên trong quá trình giải quyết vụ án.
Ba là, tự định đoạt của đương sự trong thỏa thuận giải quyết vụ việc. Tranh chấp trong CTCP là tranh chấp về quyền và lợi ích xuất phát từ quan hệ nội bộ được các bên thiết lập trên cơ sở của tự nguyện, tự do thiện chí. Theo nguyên tắc quyền gắn liền với nghĩa vụ, các bên vừa có quyền vừa có nghĩa vụ cùng nhau tự giải quyết tranh chấp đã phát sinh. Tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự bao hàm cả việc tạo điều kiện cho các bên tự thỏa thuận cơ chế, cách thức và nội dung giải quyết tranh chấp .
- Nguyên tắc tự chứng minh trong giải quyết tranh chấp
Chứng minh là việc đưa ra những bằng chứng, lý lẽ, suy luận logic làm cho thấy rõ một sự việc nào đó đã xảy ra, các quyền và nghĩa vụ nào đó đã bị xâm hại hoặc không bị xâm hại. Nghĩa vụ cung cấp chứng cứ và chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ của các đương sự là một trong những nguyên tắc cơ bản và xuyên suốt trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa các cổ đông, giữa cổ đông với công ty, xuất phát từ quyền tự định đoạt của đương sự đối với việc khởi kiện. Với tư cách là “chủ thể có lợi ích cần được giải quyết trong vụ án dân sự” [37], công ty và các cổ đông hiểu rõ nhất về yêu cầu của mình, biết rõ về những tình tiết, sự kiện trong vụ việc. Khi tranh chấp giữa các cổ đông, giữa cổ đông với công ty xảy ra, các bên khi đưa ra yêu cầu hoặc phản đối yêu cầu của bên kia có nghĩa vụ chứng minh, bảo vệ quyền lợi của mình. Bên có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải đưa ra chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Bên phản đối yêu cầu của bên kia phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh. Đương sự có nghĩa vụ chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ chứng minh thì phải chịu trách nhiệm về việc không tự chứng minh của mình.
Hoạt động chứng minh có thể thực hiện bằng nhiều phương pháp hình thức cụ thể: cung cấp chứng cứ, yêu cầu người làm chứng, nghiên cứu chứng cứ, tham gia hỏi và tranh luận tại phiên tòa… Nghĩa vụ tự chứng minh của
các bên trong tranh chấp được hỗ trợ bởi quyền yêu cầu cá nhân, cơ quan, tổ chức đang quản lý lưu giữ chứng cứ cung cấp chứng cứ hoặc yêu cầu tòa án thu thập chứng cứ khi cần thiết (Điều 97 BLTTDS 2015). BLTTDS 2015 cũng bổ sung các quy định mới nhằm hỗ trợ cho nghĩa vụ tự chứng minh của các đương sự bằng việc yêu cầu các bên phải có nghĩa vụ gửi chứng cứ cho nhau (Khoản 5 Điều 96 BLTTDS 2015) và được bảo đảm bởi phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ (Điều 208 đến Điều 211 BLTTDS 2015).
- Nguyên tắc hòa giải
Hòa giải nhằm giải quyết tranh chấp một cách hòa bình, giúp các bên tìm ra một sự đồng thuận có thể chấp nhận sau khi xem xét, nghiên cứu những lợi ích và nhu cầu của họ, duy trì mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đã được thiết lập từ trước đó. Nguyên tắc hòa giải xuất phát từ quyền tự định đoạt và tự do thỏa thuận của các bên trong giao lưu kinh tế, dân sự và được cụ thể hóa trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp của Tòa án hướng tới đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông và của cả công ty. Nội dung nguyên tắc hòa giải thể hiện việc các bên tự nguyện tham gia hòa giải và thỏa thuận giải quyết toàn bộ nội dung tranh chấp. Nội dung thỏa thuận giữa các đương sự không được trái pháp luật hoặc đạo đức xã hội.
Trước hết, cổ đông công ty và công ty đều là những chủ thể có cùng mục đích chung về sự ổn định và phát triển của công ty, đều là những “người quen” và gắn bó vì lợi ích của công ty và lợi ích của chính mình. Lợi ích của công ty cũng chính là lợi ích của các cổ đông. Nói cách khác, trong quan hệ tranh chấp giữa cổ đông, giữa cổ đông với công ty, các bên cùng có mối quan tâm về sự ổn định và phát triển của công ty, nơi mà họ cùng có chung lợi ích. Giải quyết một cách hòa bình tranh chấp đã phát sinh vừa nhằm bảo vệ lợi ích của các bên vừa nhằm bảo vệ sự ổn định và phát triển chung của công ty.
- Nguyên tắc đảo nghĩa vụ chứng minh
Vấn đề áp dụng nguyên tắc đảo nghĩa vụ chứng minh đã được thừa nhận và sử dụng phổ biến trong quan hệ dân sự nói chung; theo đó, một bên trong quan hệ tranh chấp được coi là có lỗi khi không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ đã được xác lập, trừ khi họ chứng minh được là họ không có lỗi. Nguyên tắc này được vận dụng khi giải quyết tranh chấp giữa các bên, trong đó có một bên được cho là yếu thế, cần được pháp luật bảo vệ. Chẳng hạn như tranh chấp giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng hoặc tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao đông. Tranh chấp trong CTCP có đặc thù giữa các chủ thể thường không bình đẳng nên việc áp dụng nguyên tắc đảo nghĩa vụ chứng minh có ý nghĩa quan trọng, góp phần làm giảm chi phí xác minh, tạo điều kiện cho các bên thực hiện các quyền và nghĩa vụ thuận lợi hơn. Chẳng hạn trong trường hợp cổ đông khởi kiện NQLCT về việc thực hiện các giao dịch tư lợi gây ảnh hưởng đến quyền lợi của công ty thì trách nhiệm chứng minh phải do NQLCT thực hiện thông qua việc cung cấp tài liệu, chứng cứ thể hiện các giao dịch đã thực hiện đúng quy định tại ĐLCT, nghị quyết ĐHĐCĐ hoặc pháp luật quy định.
- Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
Về bản chất, tranh chấp trong CTCP là sự bất đồng, xung đột về quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên.Trong mối quan hệ tranh chấp, quyền của bên này đồng thời là nghĩa vụ của bên kia và thường được ghi nhận trong hệ thống pháp luật.BLTTDS 2015 ghi nhận nguyên tắc chỉ khi phát sinh quyền lợi của mình bị xâm phạm thì chủ thể mới có quyền khởi kiện. Do đặc thù của tranh chấp trong CTCP có thể phát sinh từ mối quan hệ của một bên tranh chấp với quan hệ đã được xác lập giữa bên bị tranh chấp và công ty (bên thứ 3) hoặc ngược lại nên việc xác định quan hệ tranh chấp có thể không tồn tại quan hệ tương ứng trực tiếp về quyền và nghĩa vụ giữa các bên tranh chấp. Ví dụ: trường hợp cổ đông A thỏa thuận về việc chuyển nhượng cổ phần cho C và được đại diện theo pháp luật của công ty chấp thuận sau khi giao dịch giữa A và C. Sau khi hoàn tất,cổ đông B phát hiện giao dịch của A và D không đúng quy định của pháp luật và ĐLCT nên đã khởi kiện yêu cầu tuyên vô hiệu giao dịch giữa A và C. Trong trường hợp này, tranh chấp đã phát sinh không trực tiếp gắn liền với các quyền và nghĩa vụ tương ứng của A và B. Mặt khác, trong các mối quan hệ giữa cổ đông với công ty, với tư cách là chủ sở hữu, cổ đông vừa mang quyền vừa có nghĩa vụ đối với tổ chức và hoạt động của công ty. Quá trình duy trì và thực hiện các mối quan hệ này luôn có khả năng tồn tại các quyền và nghĩa vụ tiềm ẩn nhưng chưa được luật hóa một cách cụ thể. Để không bỏ sót nội dung tranh chấp, việc xác định tranh chấp giữa các cổ đông, giữa cổ đông với công ty cần được đặt trong nguyên tắc quyền và lợi ích chính đáng của các bên. Nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng dễ nhầm lẫn với việc cổ đông khởi kiện nhân danh công ty được ghi nhận tại Điều 166 LDN 2020. Tuy nhiên, trong khởi kiện nhân danh công ty, quyền và lợi ích chính đáng vẫn thuộc về công ty và công ty vẫn có quyền khởi kiện nhưng vì công ty không thực hiện nên cổ đông nhân danh công ty khởi kiện và vì lợi ích của công ty.
Theo: Nguyễn Hữu Hưng
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1ZV5qhVpXSpmoBguYCsZHv0FJMTX2QkKr/edit?rtpof=true