
THỰC TIỄN GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN TẠI TÒA ÁN Ở VIỆT NAM
3.2. Thực tiễn giải quyết tranh chấp trong công ty cổ phần tại Tòa án ở Việt Nam hiện nay
Để thực hiện luận án này, tác giả luận án đã sưu tầm, phân tích 36 vụ án tranh chấp thực tế diễn ra trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2020 và được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng ở những mức độ khác nhau. Trong đó, yêu cầu hủy nghị quyết ĐHĐCĐ là 10 việc, tranh chấp giữa cổ đông, tranh chấp giữa cổ đông với công ty 18 vụ, tranh chấp giữa cổ đông với nhau 05 vụ, tranh chấp giữa công ty với NQLCT 0 vụ, tranh chấp phái sinh giữa cổ đông với NQLCT 03 vụ.
Một trong những khó khăn của việc khảo sát và đánh giá thực trạng giải quyết tranh chấp trong CTCP bằng tòa án xuất phát từ số lượng các vụ án về tranh chấp loại này tương đối ít, do tính chất nội bộ của loại hình tranh chấp này. Với yếu tố truyền thống mang nặng tính gia đình và quan hệ, các công ty thường có xu hướng không công khai các tranh chấp đã xảy ra nên việc thu thập dữ liệu thường không mang lại kết quả. Đồng thời, với tư cách một nghiên cứu cá nhân, việc thu thập dữ liệu từ các cơ quan tài phán cũng có những hạn chế nhất định. Do đó, nguồn các vụ việc được khảo sát và thu thập chủ yếu dựa trên thông tin từ phương tiện thông tin đại chúng và dựa vào mối quan hệ cá nhân thông qua các bản án được lưu trữ tại các tòa án địa phương.
3.2.1. Vướng mắc, bất cập trong áp dụng pháp luật nội dung
- Về quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông
Khoản 1 Điều 126 LDN 2014 quy định cổ đông có thể chuyển nhượng một phần hay toàn bộ cổ phần cho người khác, nếu không thuộc các trường hợp bị pháp luật nếu là cổ đông sáng lập trong thời hạn 03 năm kể từ ngày công ty được cấp GCNĐKDN hay ĐLCT hạn chế chuyển nhượng. Việc hạn chế chuyển nhượng theo ĐLCT thì bắt buộc các quy định này phải được nêu rõ trong cổ phiếu của cổ phần tương ứng. Tuy nhiên, nhiều tòa án chưa phát hiện những ràng buộc hạn chế chuyển nhượng cổ phần từ phía công ty đối với cổ đông dẫn đến việc quyết định của bản án không thể thi hành án, khiến cho quyền lợi của cổ đông bị xâm phạm.
Trong vụ án tranh chấp về chuyển nhượng cổ phần phổ thông giữa cổ đông bà Huỳnh Thị Thu T và Công ty CP A (Phụ lục 01, Bản án sơ thẩm số: 01/2018/KDTM - ST ngày 08/5/2018 của TAND tỉnh Ninh Thuận), công ty đã đưa ra yêu cầu hạn chế quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của bà T trái pháp luật khi buộc công ty A trả cho bà T số tiền 89.687.500đ và công ty A chỉ định người nhận chuyển nhượng số cổ phần của bà T tại Công ty. Vấn đề đặt ra ở bản án này là bà T có thuộc trường hợp hạn chế chuyển nhượng cổ phần và việc công ty yêu cầu bà T chỉ chuyển nhượng cổ phần cho người do công ty chỉ định có phù hợp với quy định hay không?
Theo nội dung vụ án, bà T không phải là cổ đông sáng lập của công ty và thời gian sở hữu cổ phần của bà tính đến thời điểm cuộc họp ngày 22/3/2016 đã hơn 03 năm. Như vậy, dù bà T là cổ đông sáng lập đi chăng nữa thì những hạn chế về chuyển nhượng cổ phần đã không còn. Do đó, bà T có quyền chào bán cổ phần cho bất kỳ ai trên thị trường theo giá thỏa thuận hoặc trên cơ sở định giá thi trường theo quy định pháp luật. Công ty A ấn định mức giá cổ phần của bà T tại thời điểm năm 2012 và buộc bà phải chuyển nhượng cổ phần cho người do công ty chỉ định là xâm phạm đến quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông. Tòa án đã không phát hiện thỏa thuận của bà T và công ty vi phạm điều cấm của Luật mà vẫn buộc các bên tiếp tục thực hiện thỏa thuận là không phù hợp. Đồng thời, việc Tòa án buộc công ty tiếp tục chỉ định người nhận chuyển nhượng cổ phần của bà T là không đảm bảo khả năng thi hành án vì nếu trường hợp công ty lấy lý do không chỉ định được người nhận chuyển nhượng thì bà T sẽ không được nhận số tiền theo thỏa thuận ban đầu. Như vây, việc Tòa án tuyên buộc công ty A chỉ định người nhận chuyển nhượng số cổ phần của bà T tại Công ty vô hình trung đã công nhận quyền của công ty trong hạn chế quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của bà T, vi phạm nguyên tắc tự do chuyển nhượng cổ phần. Trong trường hợp này, để đảm bảo quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của cổ đông, Tòa án phải ấn định thời gian để Công ty và bà T tự thỏa thuận về mức giá cổ phần yêu cầu công ty mua lại. Trường hợp không thỏa thuận được giá thì Tòa án trưng cầu đơn vị thẩm định giá hoặc lập Hội đồng định giá theo quy định tại Điều 104 BLTTDS. Khi có kết quả định giá thì buộc Công ty phải có thanh toán số tiền chuyển nhượng cổ phần của bà T theo cam kết giữa các bên.
- Về hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần
Một vướng mắc thường xảy ra trong việc áp dụng pháp luật về chuyển nhượng cổ phần ở các tòa án là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng cổ phần đến nay vẫn được áp dụng không thống nhất do nhiều cách hiểu khác nhau. Theo quy định của LDN, việc chuyển nhượng cổ phần được thực hiện bằng hợp đồng theo cách thông thường hoặc thông qua giao dịch trên thị trường chứng khoán. Người nhận cổ phần chỉ trở thành cổ đông công ty từ thời điểm các thông tin của họ được ghi đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông (Điều 126 LDN 2014). Quyết định giám đốc thẩm số 20/2017/KDTM-GĐT ngày 14/7/2017 của Hội đồng thẩm phán TANDTC về vụ án “Tranh chấp về yêu cầu hủy quyết định của ĐHĐCĐ” nhận định: Từ thời điểm đó, người nhận chuyển nhượng có đầy đủ quyền và nghĩa vụ của cổ đông theo quy định của LDN và ĐLCT , Tuy nhiên, có trường hợp cùng một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần nhưng các thẩm phán có nhận định khác nhau về hiệu lực.
Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Công ty CP đầu tư xây dựng Lilama-SHB được thành lập năm 2006, vốn điều lệ 100 tỷ đồng gồm 5 cổ đông, trong đó, ông Lê Tấn Hòa góp vốn tỷ lệ 61% (tương đương 61 tỷ đồng) và Ngân hàng TMCP SHB góp vốn tỷ lệ 11% (tương đương 11 tỷ đồng). Ngày 07/8/2014, Ngân hàng SHB và ông Lê Tấn Hòa ký Biên bản chuyển nhượng cổ phần, theo đó, Ngân hàng chuyển nhượng cho ông Lê Tấn Hòa 110.000 cổ phần của Công ty, trị giá: 11 tỷ đồng. Thời điểm thực hiện chuyển nhượng dự kiến không quá ngày 30/9/2014. Sau đó, Ngân hàng SHB và ông Lê Tấn Hòa ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 01/2014/HĐCN (không có ngày, tháng) năm 2014. Do ông Hòa không thực hiện nghĩa vụ thanh toán nên Ngân hàng khởi kiện, yêu cầu ông Lê Tấn Hòa trả số tiền 13.502.500.000đồng, trong đó, tiền gốc 11.000.000.000đồng và tiền nợ phạt chậm trả theo quy định của hợp đồng là 2.502.500.000 đồng. Ông Lê Tấn Hòa có đơn phản tố yêu cầu tuyên bố Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần trên vô hiệu do việc ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa ông và Ngân hàng nhằm mục đích để Ngân hàng hợp thức hóa hồ sơ báo cáo với Ngân hàng Nhà nước về việc rút vốn khỏi Công ty, nên Hợp đồng không ghi ngày, tháng, không có thời hạn chuyển nhượng cổ phần, thời hạn thanh toán (Phụ lục 01, Bản án số 17/2019/KDTM-PT ngày 08/11/2019 của TANDCC tại Đà Nẵng và Bản án số 03/2019/KDTM-ST ngày 22/5/2019 của TAND tp. Đà Nẵng, Bản án KDTM sơ thẩm số 16/2017/KDTM-ST ngày 26/9/2017 của TAND thành phố Đà Nẵng).
Với nội dung như trên, bản án sơ thẩm lần 1 cho rằng xác định hợp đồng vô hiệu do: (i) không đảm bảo hình thức và nội dung cơ bản do hợp đồng không thể hiện thời gian ký kết và không thỏa thuận về thời hạn thanh toán đối với việc chuyển nhượng cổ phần, (ii) hợp đồng không được thực hiện trên thực tế vì sau khi ký kết hợp đồng chuyển nhượng, Ngân hàng SHB vẫn tham gia cuộc họp của HĐQT công ty với tư cách cổ đông chiếm 11% cổ phần; ông Hòa không thanh toán tiền nhận chuyển nhượng cho Ngân hàng và Ngân hàng không kê khai các khoản thu nhập theo quy định, (iii) công ty Phú Mỹ Trung Việt khẳng định không có việc ghi nhận thông tin của ngân hàng SHB trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty theo quy
định của LDN và ĐLCT.
Bản án phúc thẩm lần thứ nhất cho rằng việc cấp sơ thẩm cho rằng hợp đồng chuyển nhượng không đảm bảo hình thức và nội dung để tuyên hợp đồng vô hiệu là chưa đủ căn cứ. Trong khi đó, bản án phúc thẩm lần thứ hai nhận định: Việc chuyển nhượng cổ phần vô hiệu vì Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần thiếu những nội dung cơ bản của Hợp đồng theo quy định tại Điều 431 BLDS 2005; người nhận chuyển nhượng là ông Hòa chưa thanh toán hợp đồng chuyển nhượng và Công ty Phú Mỹ Trung Việt chưa ghi thông tin vào sổ đăng ký cổ đông là không phù hợp với quy định tại Điều 87 LDN 2005 và khoản 9.6 ĐLCT. Như vậy, từ quá trình giải quyết vụ án trên, có thể nhận thấy cùng một hợp đồng chuyển nhượng cổ phần giữa các cổ đông trong công ty nhưng mỗi thẩm phán lại có những lập luận khác nhau về hiệu lực có hợp đồng.
Theo: Nguyễn Hữu Hưng
Link luận án:
https://docs.google.com/document/d/1ZV5qhVpXSpmoBguYCsZHv0FJMTX2QkKr/edit?rtpof=true
