CƠ SỞ THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ QUẢN LÝ TÀI SẢN PHÁ SẢN
3.1. Thực trạng pháp luật và thực tiễn thực hiện pháp luật về quản lý tài sản phá sản
Mặc dù, Luật phá sản 2014 đã có nhiều điểm đã khắc phục các bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Luật Phá sản 2004 và tạo ra những điểm đột phá trong mô hình chủ thể quản lý tài sản phá sản cũng như bổ sung các biện pháp quản lý tài sản mới, nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai áp dụng trong thực tiễn cũng đã bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập liên quan đến quá trình quản lý tài sản phá sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Cụ thể như sau:
3.1.1. Các quy định về tài sản phá sản và xác định tài sản phá sản
Trong quá trình phát triển của pháp luật về phá sản nói chung, việc xác định các loại tài sản nào được coi là tài sản phá sản đã được ghi nhận.
+ Các dạng tài sản phá sản được quy định:
Các phiên bản Luật Phá sản 1993, 2004, 2014 đều cho thấy cách tiếp cận là liệt kê các dạng tài sản phá sản của doanh nghiệp lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán. Các dạng tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán quy định cho hai trường hợp là với các doanh nghiệp có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp và tài sản của chủ sở hữu doanh nghiệp và trường hợp không có sự tách bạch giữa tài sản của doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp như công ty tư nhân, công ty hợp danh. Đối với doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh mất khả năng thanh toán thì ngoài những tài sản được nêu trên thì còn có những tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh không trực tiếp dùng vào hoạt động kinh doanh. Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh có tài sản thuộc sở hữu chung thì phần tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh đó được chia theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của pháp luật có liên quan. Như vậy do tính chất chịu trách nhiệm vô hạn của mình, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và tài sản của thành viên hợp danh không tách rời khỏi khối tài sản hay số vốn mà họ đưa vào doanh nghiệp tư nhân hay công ty hợp danh bị mất khả năng thanh toán. Nói cách khác, tài sản riêng của họ, bất kể dùng vào mục đích kinh doanh hay không, cũng bị coi là tài sản của doanh nghiệp khi phá sản và cũng được dùng để thanh toán các khoản nợ.
Theo bảng trên, tài sản cũng được phân thành tài sản và các quyền tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm xác định theo luật định. Các quyền tài sản như quyền sử dụng đất, các quyền tài sản khác…Đây là điểm tiến bộ của Luật Phá sản 2014 so với Luật phá sản 2004 nhằm tối ưu hóa lợi ích của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. Tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán cũng bao gồm cả giá trị của tài sản bảo đảm mà vượt quá khoản nợ có bảo đảm thì khi đó phần chênh lệch đó sẽ được tính vào khối tài sản có của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
+ Thời điểm xác định tài sản phá sản của doanh nghiệp:
Luật Phá sản 1993 không xác định rõ thời điểm xác định tài sản phá sản. Đến Luật Phá sản 2004 quy định rằng việc xác định tài sản và quyền tài sản mà doanh nghiệp có sẽ được tính từ “thời điểm thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” (Điều 49). Điểm hạn chế này phải đến khi Luật Phá sản năm 2014 ra đời mới được khắc phục. Theo đó, Luật phá sản 2014 đã sửa đổi quy định về mốc thời gian xác định phạm vi tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán từ “thời điểm thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản” thành “thời điểm tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản”. Điều này giúp cho các quy định về phá sản nói chung và quản lý tài sản phá sản nói riêng của Việt Nam tiệm cận gần hơn với các chuẩn mực quốc tế về cách thời điểm xác định tài sản phá sản của doanh nghiệp. Điều này cũng đúng với bản chất của việc xác định tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán vì chỉ khi nào tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp được xác định bởi một văn bản tố tụng của cơ quan tố tụng mà cụ thể là tòa án thì khi đó doanh nghiệp mới được coi là mất khả năng thanh toán và vấn đề xác định tài sản phá sản của doanh nghiệp mới được đặt ra.
+ Tài sản là quyền sử dụng đất:
Quyền sử dụng đất của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là một tài sản thuộc khối tài sản phá sản, tuy nhiên, việc xử lý và xác định giá trị quyền sử dụng đất sẽ tuân theo các quy định của pháp luật về đất đai. Cụ thể, Điều 65 Luật Đất đai 2013 quy định về việc xử lý quyền sử dụng đất trong trường hợp người sử dụng đất bị phá sản. Theo đó, trường hợp tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; người sử dụng đất thuê của Nhà nước trả tiền thuê đất hàng năm bị phá sản thì được coi là trường hợp thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất. Trường hợp quyền sử dụng được góp vốn trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc liên doanh để thành lập doanh nghiệp thì nếu bên phá sản là bên góp vốn thì việc góp vốn sẽ chấm dứt, còn nếu là bên nhận góp vốn phá sản thì quyền sử dụng đất nhận góp vốn được xử lý theo Quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án.
+ Tài sản phá sản ở nước ngoài:
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, ở Việt Nam có rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đồng thời, các doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư ra nước ngoài khá nhiều, do đó tồn tại tài sản của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài. Quan hệ kinh tế, thương mại quốc tế còn dẫn đến nhiều trường hợp đa dạng khác mà tài sản doanh nghiệp phá sản không chỉ nằm trên lãnh thổ Việt Nam hay nước tiếp nhận đầu tư từ Việt Nam mà còn nằm trên lãnh thổ của nước thứ ba. Khi đó, trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài, Tòa án nhân dân thực hiện ủy thác tư pháp theo hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Thủ tục ủy thác tư pháp được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, pháp luật về tương trợ tư pháp (Điều 117 Luật phá sản 2014).
Theo: Nguyễn Tuấn Hải
Link luận án: Tại đây