THỰC TRẠNG PHÁP LUẬT VÀ THỰC TIỄN THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ NGƯỜI LAO ĐỘNG CAO TUỔI Ở VIỆT NAM
3.1. Thực trạng pháp luật Việt Nam về người lao động cao tuổi
Hiện nay, những quy định về NLĐCT ở Việt Nam được đề cập trong các văn bản có tính chất pháp lý sau:
+ Luật NCT số 39/2009/QH12;
+ Các BLLĐ và văn bản hướng dẫn thi hành. Trong khuôn khổ phạm vi nghiên cứu về thời gian, luận án phân tích các quy định có liên quan đến NLĐCT trong BLLĐ năm 2012 và BLLĐ năm 2019 cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành 2 bộ luật này.
+ Một số quy định trong luật chuyên ngành có liên quan đến kéo dài tuổi làm việc (Luật giáo dục, Luật Công chức, Luật Viên chức…)
+ Chương trình hành động quốc gia về NCT Việt Nam giai đoạn 2012 - 2020 ban hành theo Quyết định số 1781/QĐ-TTg ngày 22/11/2012.
Trong phần tiếp sau, luận án phân tích thực trạng quy định pháp luật về NLĐCT chủ yếu dựa trên các văn bản nêu trên.
3.1.1. Thực trạng quy định pháp luật về độ tuổi đối với người lao động cao tuổi
Điều 166 BLLĐ năm 2012 (có hiệu lực đến ngày 31/12/2020) quy định người lao động cao tuổi là người tiếp tục lao động sau độ tuổi nghỉ hưu, đó là sau khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi.
Độ tuổi nghỉ hưu của người lao động theo Điều 169 của BLLĐ năm 2019 (bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2021) sẽ không còn cố định như trước đây là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Thay vào đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường sẽ được tăng dần theo lộ trình là đủ 60 tuổi đối với nữ vào năm 2035 và đủ 62 tuổi đối với nam vào năm 2028. Cụ thể, trong năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ
Tại khoản 2, Điều 169, BLLĐ năm 2019 và Khoản 2 Điều 4 Nghị định 135/2020/NĐ-CP quy định về tuổi nghỉ hưu đã hướng dẫn cụ thể về lộ trình tăng tuổi hưu của người lao động trong điều kiện bình thường như sau:
Như vậy, độ tuổi nghỉ hưu theo quy định hiện hành đã tăng lên so với quy định tại BLLĐ năm 2012, điều này cũng phù hợp với tình hình sức khỏe của NCT ở Việt Nam hiện nay khi mà mức sống được nâng lên, sức khỏe tốt hơn và cũng tiệm cận với tuổi nghỉ hưu ở nhiều nước trên thế giới. Quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đồng nghĩa với việc quy định về tuổi của NLĐCT cũng tăng lên, họ ở lại thị trường lao động muộn hơn để tiếp tục cống hiến, tham gia vào những công việc phù hợp với sức khỏe và năng lực.
Tuy nhiên, Luật cũng quy định trong một số trường hợp, người lao động được nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể, tại Điều 54, Điều 55 Luật BHXH năm 2014, được sửa đổi bởi Điều 219 BLLĐ năm 2019, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn so với độ tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện bình thường, cụ thể:
- Nghỉ hưu sớm hơn 5 tuổi: (i) Người lao động có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021. (ii) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
- Nghỉ hưu sớm hơn 10 tuổi: (i) Người lao động có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò; (ii) Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; (iii) Công an, bộ đội có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.
- Nghỉ hưu luôn không xét tuổi: (i) Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao; (ii) Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 12/11/2020 Ban hành danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt năng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì có 1833 nghề, công việc có tính chất như thế, ví dụ làm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản có nghề sửa chữa đường mỏ với đặc điểm điều kiện lao động thủ công, nặng nhọc, chịu tác động của nóng, bụi và ồn; hay trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình có nghề lắp đặt, sửa chữa, bảo dưỡng cột ăng ten phát thanh, phát hình cao từ 100 m trở lên với điều kiện làm việc thường xuyên ngoài trời, công việc rất nặng nhọc và nguy hiểm, tư thế lao động gì bó, chịu tác động của điện tử trường,…
Như vậy, quy định về độ tuổi nghỉ hưu cũng khá linh hoạt trong một số trường hợp đặc biệt để tạo điều kiện cho NLĐ có thể nghỉ sớm hơn tùy thuộc vào sức khỏe và khả năng đóng góp trước đó của họ hoặc trong những môi trường làm việc có yếu tố độc hại. Đây là những quy định mang tính chất nhân văn và tiệm cận với quy định của các nước tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay còn quy định về kéo dài tuổi lao động trong một số lĩnh vực và ngành nghề nhất định. Theo quy định tại Khoản 4 Điều 169 BLLĐ năm 2019: "Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác".
Một số đối tượng được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác được quy định tại Điều 1 Nghị định số 71/2000/NĐ-CP: "Cán bộ, công chức quy định tại các khoản 2 và 3 Điều 1 của Pháp lệnh cán bộ, công chức khi đến độ tuổi nghỉ hưu được xem xét kéo dài thêm thời gian công tác, bao gồm các đối tượng sau: (i) Những người trực tiếp làm công tác nghiên cứu ở các cơ quan của Đảng, Nhà nước được bổ nhiệm và hưởng bảng lương chuyên gia cao cấp quy định tại Nghị định số 25/CP ngày 23 tháng 5 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ tiền lương mới của công chức, viên chức khu vực hành chính, sự nghiệp và lực lượng vũ trang; (ii) Những người có học vị tiến sĩ khoa học làm việc theo đúng chuyên ngành đào tạo; những người có chức danh giáo sư, phó giáo sư đang trực tiếp nghiên cứu, giảng dạy theo đúng chuyên ngành ở các Viện, Học viện và các trường đại học; (iii) Những người thực sự có tài năng được cơ quan, tổ chức, đơn vị thừa nhận, đang trực tiếp làm việc theo đúng chuyên môn thuộc các lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa, nghệ thuật".
Gần đây, Nghị định số 50/2022/NĐ-CP ngày 2/8/2022 quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, theo đó những người sau đây có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, gồm: (i) Viên chức có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư; (ii) Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu tiêu chuẩn trình độ đào tạo là Tiến sĩ hoặc chuyên khoa II; (iii) Giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần; (iv) Viên chức có chuyên môn, kỹ thuật cao trong một số lĩnh vực sự nghiệp đặc thù theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Ngoài ra, Nghị định cũng quy định trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, viên chức chỉ làm nhiệm vụ chuyên môn, không giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý và không được bảo lưu phụ cấp chức vụ lãnh đạo. Trong thời gian thực hiện nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu viên chức có nguyện vọng nghỉ làm việc hoặc đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật và việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức không quá 5 năm (60 tháng), tính từ thời điểm viên chức đủ tuổi nghỉ hưu theo Nghị định số 135/2020/NĐ- CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu.
Bên cạnh việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập, ngày 18/10/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 83/2022/NĐ-CP quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (có hiệu lực thi hành từ ngày 20/10/2022). Theo đó, nghị định quy định cán bộ, công chức nữ giữ các chức vụ, chức danh như: Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước; Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số; công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao. ….được kéo dài tuổi nghỉ hưu nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ. Như vậy, theo nghị định này, tuổi nghỉ hưu của nam có thể kéo dài thêm 3 năm so với quy định tại nghị định 135/2020/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu (62 tuổi), còn đối với nữ thì mặc dù được kéo dài nhưng vẫn quy định không quá 60 tuổi.
Tóm lại, về cơ bản người lao động cao tuổi là những người tiếp tục làm việc sau độ tuổi nghỉ hưu được quy định trong các văn bản pháp luật. Một số quy định cho phép kéo dài tuổi nghỉ hưu trong một số trường hợp nhất định, như vậy những người này đương nhiên được xem là người lao động cao tuổi.
Theo: Trần Đức Thắng
Link luận án: Tại đây