QUY ĐỊNH VỀ HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG CAO TUỔI
3.1.1. Thực trạng quy định về hợp đồng lao động với người lao động cao tuổi
Căn cứ khoản 1 Điều 20 BLLĐ năm 2019, có 02 loại hợp đồng lao động mà NLĐ và NSDLĐ có thể lựa chọn để giao kết:
- Hợp đồng lao động không xác định thời hạn: là hợp đồng mà trong đó hai bên không xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng
- Hợp đồng lao động xác định thời hạn là hợp đồng mà trong đó hai bên xác định thời hạn, thời điểm chấm dứt hiệu lực của hợp đồng trong thời gian không quá 36 tháng kể từ thời điểm có hiệu lực của hợp đồng.
Ngoài ra, khoản 1 Điều 149 BLLĐ năm 2019 đã nêu rõ: Khi sử dụng NLĐCT, hai bên có thể thỏa thuận giao kết nhiều lần hợp đồng lao động xác định thời hạn.
Như vậy, đã có sự thay đổi về nội dung này ở BLLĐ năm 2019 so với BLLĐ năm 2012, cụ thể:
Theo quy định tại Điều 186 của BLLĐ năm 2012 và Điều 6 của Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của BLLĐ (“Nghị định 05”), khi NSDLĐ có nhu cầu và NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe theo luật định thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
- Một điểm quan trọng mà NSDLĐ cần lưu ý là hợp đồng lao động, bao gồm cả hợp đồng lao động không xác định thời hạn sẽ chỉ đương nhiên chấm dứt đối với trường hợp NLĐ có đủ cả 2 điều kiện về thời gian đóng BHXH bắt buộc và tuổi nghỉ hưu theo quy định của pháp luật lao động. Để làm rõ hơn, trong trường hợp NLĐ đã có đủ thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu thì hợp đồng lao động giữa NSDLĐ và NLĐ sẽ được hiển nhiên xem là chấm dứt theo quy định tại Điều 36.4 của BLLĐ năm 2012 và khi đó NLĐ cũng được xem là người hưởng lương hưu do đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của Luật BHXH. Theo đó, khi NSDLĐ có nhu cầu và NLĐ cao tuổi có đủ sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật thì hai bên có thể thỏa thuận kéo dài thời hạn hợp đồng lao động hoặc giao kết hợp đồng lao động mới, và công việc được thỏa thuận trong hợp đồng lao động mới với NLĐ cao tuổi không được là những công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe của NLĐ cao tuổi.
Đối với trường hợp NLĐ cao tuổi đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH bắt buộc để được hưởng lương hưu theo quy định và NLĐCT đều muốn tiếp tục được làm việc, căn cứ theo các quy định đã nêu, NSDLĐ và NLĐ có thể thỏa thuận giao kết HĐLĐ mới. Tuy nhiên, một quy định khá quan trọng tại Nghị định 05 (Điều 6.2), khi NSDLĐ không có nhu cầu hoặc NLĐ cao tuổi không có đủ sức khỏe thì cả hai lý do này không phải là cơ sở để cho cả NSDLĐ hay NLĐ có thể đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định của pháp luật hiện hành. Vậy với quy định pháp luật như trên thì trong trường hợp công ty không có nhu cầu tiếp tục sử dụng lao động hoặc NLĐ cao tuổi không đủ sức khỏe. NSDLĐ phải thương lượng và thỏa thuận với NLĐ về việc chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 36.3 của BLLĐ năm 2012. Nói cách khác, NSDLĐ phải đạt được sự đồng ý của NLĐ cao tuổi về việc chấm dứt hợp đồng lao động.
- BLLĐ năm 2012 chưa có quy định cụ thể loại hợp đồng lao động mà NSDLĐ có quyền ký kết với NLĐ cao tuổi. Theo quy định tại Điều 22.3 của BLLĐ năm 2012: “Không được giao kết hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng để làm những công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên, trừ trường hợp phải tạm thời thay thế người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự, nghỉ theo chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động hoặc nghỉ việc có tính chất tạm thời khác”. Theo đó, tùy theo tính chất công việc mà NSDLĐ có thể ký loại hợp đồng lao động phù hợp với NLĐ cao tuồi. Đồng thời, BLLĐ không quy định thời điểm cụ thể để chấm dứt hợp đồng lao động trong trường hợp này mà chỉ quy định như sau: “Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không có đủ sức khỏe thì hai bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động”. Trên tinh thần đó, nếu đến thời điểm NLĐ cao tuổi cảm thấy không còn đủ sức khỏe để tiếp tục làm việc hoặc NSDLĐ không còn nhu cầu sử dụng lao động này nữa thi hai bên tiến hành thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận giữa hai bên.
* Nội dung cơ bản của hợp đồng lao động đối với NLĐCT
Ngoài những nội dung cơ bản về quyền và nghĩa vụ áp dụng chung cho tất cả các hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động của người lao động cao tuổi còn phải có những nội dung đặc thù sau:
- Tên và địa chỉ NSDLĐ hoặc của người đại diện hợp pháp;
- Họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, địa chỉ nơi cư trú, số chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ hợp pháp khác của người lao động;
- Công việc và địa điểm làm việc;
- Thời hạn của hợp đồng lao động;
- Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác;
- Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
- Trang bị bảo hộ lao động cho người lao động;
- BHXH và BHYT;
* Các quyền lợi được hưởng khi vẫn tiếp tục làm việc dù đã đủ điều kiện hưởng lương hưu
- Về hợp đồng lao động: Khi người lao động đã đủ tuổi và đủ điều kiện về số năm tham gia BHXH để được hưởng lương hưu theo quy định của pháp luật về BHXH thì người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động cũ mà không cần báo trước theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 35 BLLĐ năm 2019 nếu các bên không có thỏa thuận khác. Vậy trường hợp này người lao động và người sử dụng lao động có thể thỏa thuận với nhau về việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động cũ nếu hợp đồng lao động cũ là hợp đồng xác định thời hạn nhưng chưa hết hạn hoặc là hợp đồng lao động không xác định thời hạn.
Hoặc người lao động có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của mình mà không cần báo trước và hai bên tiến hành việc ký kết hợp đồng lao động mới theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo quy định tại khoản 1 Điều 149 BLLĐ năm 2019 hai bên có thể thỏa thuận thực hiện việc giao kết nhiều lần loại hợp đồng lao động xác định thời hạn khi sử dụng người lao động cao tuổi tức là không bị giới hạn số lần giao kết hợp đồng xác định thời hạn như những người lao động bình thường.
Theo: Trần Đức Thắng
Link luận án: Tại đây