QUY ĐỊNH VỀ TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP LAO ĐỘNG VỚI NGƯỜI CAO TUỔI
3.1.1. Thực trạng quy định về tranh chấp lao động và giải quyết tranh chấp lao động với người cao tuổi
Trên thực tế, các tranh chấp lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động cao tuổi xảy ra cũng không ít ở nơi làm việc. Các tranh chấp này đa phần liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động cao tuổi như vấn đề tiền lương, việc làm, điều kiện lao động, kỷ luật lao động…
Theo Điều 179 BLLĐ năm 2019, tranh chấp lao động là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động. Các loại tranh chấp lao động bao gồm:
(i) Tranh chấp lao động cá nhân giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại;
(ii) Tranh chấp lao động tập thể về quyền hoặc về lợi ích giữa một hay nhiều tổ chức đại diện người lao động với người sử dụng lao động hoặc một hay nhiều tổ chức của người sử dụng lao động.
Tương ứng với hai loại tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể thì cũng có hai cơ chế giải quyết phù hợp. Các cơ quan, tổ chức giải quyết tranh chấp lao động gồm: hội đồng hòa giải lao động ở cơ sở, hội đồng trọng tài lao động ở cấp tỉnh và tòa án nhân dân.
Tranh chấp lao động liên quan tới NLĐCT có thể ở các nội dung: (i) Về tiền lương; (ii) Về thời giờ làm việc, thời gian nghỉ ngơi; (iii) Về an toàn và vệ sinh lao động; (iv) Về phúc lợi và ASXH, (v) Về hợp đồng lao động…. Đối với những tranh chấp liên quan tới người lao động cao tuổi, do đặc thù của độ tuổi, những tranh chấp này thường liên quan tới việc thực hiện lao động. Cũng do đặc thù, việc giải quyết các tranh chấp này cần được tiến hành nhanh chóng, cơ chế đại diện bảo vệ quyền lợi của người lao động cao tuổi cũng phải đơn giản, gọn nhẹ, tạo điều kiện tốt nhất cho việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động cao tuổi.
Hiện nay theo quy định tại BLLĐ năm 2019, không có phần riêng nào quy định về tranh chấp lao động với NLĐCT và cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về tranh chấp lao động với NLĐCT. Từ điều 179 đến Điều 197 tại BLLĐ năm 2019 quy định những vấn đề liên quan đến tranh chấp lao động nói chung. Mặc dù không có quy định riêng nhưng tranh chấp với NLĐCT thì cũng chịu sự điều chỉnh của những quy định này của BLLĐ năm và những văn bản có liên quan. Thực tế hiện nay, các bên trong tranh chấp lao động thường tìm đến các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và đa phần họ yêu cầu tòa án giải quyết.
Theo quy định tại Điều 187 và Điều 191 BLLĐ năm 2019, tòa án có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền và lợi ích hợp pháp. Đối với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, tòa án không có thẩm quyền giải quyết, do đây là những tranh chấp về các vấn đề chưa được pháp luật quy định hoặc chưa được thỏa thuận, cam kết trong các hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc dưới hình thức khác. Do đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 195 BLLĐ năm 2019, thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tập thể về lợi ích không thuộc về tòa án mà thuộc về hòa giải viên lao động hoặc hội đồng trọng tài lao động.
Thẩm quyền của tòa án trong giải quyết tranh chấp lao động được quy định cụ thể trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Theo đó, tại Điều 32, tòa án có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp lao động cá nhân và tranh chấp lao động tập thể về quyền phải thông qua thủ tục hòa giải của hòa giải viên lao động mà đã hòa giải thành nhưng các bên không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải theo quy định của pháp luật về lao động mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải. Cũng căn cứ Điều 35 Bộ luật này, tòa án cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động nêu trên; đối với các trường hợp đương sự ở nước ngoài, tài sản ở nước ngoài hoặc cần ủy thác tư pháp ở nước ngoài thì sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm. Ngoài ra, tòa án cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm các tranh chấp lao động thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án cấp huyện nếu thấy cần thiết hoặc theo đề nghị của tòa án nhân nhân cấp huyện theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự.
* Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp lao động tại tòa án:
Khi có yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp lao động, một bên trong tranh chấp lao động gửi đơn khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền kèm theo các tài liệu liên quan đến tranh chấp lao động như hợp đồng lao động và phụ lục hợp đồng, tài liệu chứng minh việc các bên đã hòa giải ở cơ sở nhưng không thành hoặc hòa giải không diễn ra hoặc các bên không tuân thủ biên bản hòa giải thành; các bên đã có yêu cầu hội đồng trọng tài lao động giải quyết tranh chấp lao động nhưng ban hội đồng lao động không được thành lập hoặc đã được thành lập nhưng không tiến hành giải quyết tranh chấp lao động trong thời hạn luật định, hoặc bên còn lại không thi hành quyết định của trọng tài…
Khi đơn khởi kiện đáp ứng đủ điều kiện trên, tòa án sẽ thụ lý vụ án và tiến hành hòa giải để các bên trong tranh chấp lao động thỏa thuận về việc giải quyết tranh chấp lao động (cả về nội dung và án phí). Nếu các bên thỏa thuận được, thẩm phán sẽ lập biên bản hòa giải thành, và hết thời gian 07 ngày, nếu không có đương sự nào thay đổi ý kiến thì thẩm phán sẽ ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Các bên trong tranh chấp lao động sẽ thực hiện theo biên bản hòa giải thành này. Trường hợp các bên không thỏa thuận được, tòa án đưa vụ án ra xét xử, các bên có nghĩa vụ phải thi hành bản án của tòa án. Nếu không đồng ý với phán quyết của tòa, đương sự có thể kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố bản án.
Thời điểm trước khi có những quy định tại BLLĐ năm 2019 về tranh chấp lao động, Việt Nam áp dụng những quy định tại BLLĐ năm 2012. Tại khoản 4, điều 36 BLLĐ năm 2012 quy định người lao động đủ điều kiện về thời gian đóng BHXH và tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 187 thì đương nhiên chấm dứt hợp đồng lao động. Như vậy có nghĩa nếu người lao động thiếu 1 trong 2 yếu tố, chẳng hạn đủ tuổi hưu nhưng chưa đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì sẽ không bị chấm dứt hợp đồng.
Tuy nhiên, tại khoản 2, điều 6 Nghị định 05/2015/NĐ-CP lại quy định: “Khi người sử dụng lao động không có nhu cầu hoặc người lao động cao tuổi không đủ sức khỏe thì 2 bên thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động ”. Rõ ràng, 2 quy định này mâu thuẫn với nhau và hậu quả là gây ra tranh chấp lao động. Chẳng hạn, vụ tranh chấp giữa Công ty C.P (quận 5, TP HCM) và bà Nguyễn Thị Út, trưởng phòng tổ chức hành chính của công ty. Bà Út và công ty ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ năm 2003. Đầu tháng 5-2015, Công ty C.P ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với lý do bà Út đến tuổi nghỉ hưu (55 tuổi). Bà Út không đồng ý vì cho rằng bà mới tham gia BHXH được 18 năm 6 tháng, chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu nên công ty không có quyền chấm dứt hợp đồng lao động. Khi bà khiếu nại, công ty viện dẫn quy định tại Nghị định 05/2015/NĐ-CP để bảo vệ quan điểm của mình. Kết quả, 2 bên bất phân thắng bại, đành đưa nhau ra tòa nhờ phán quyết.
Theo: Trần Đức Thắng
Link luận án: Tại đây