ĐẶC ĐIỂM CỦA MỐI QUAN HỆ GIỮA QUYỀN TƯ PHÁP VÀ QUYỀN HÀNH PHÁP TRONG THỰC HIỆN QUYỀN LỰC NHÀ NƯỚC Ở VIỆT NAM
2.1.1. Đặc điểm của mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở Việt Nam
Đặc điểm của mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp được xem xét trên cả hai chiều: quan hệ giữa quyền tư pháp - quyền hành pháp và ngược lại quan hệ giữa quyền hành pháp - quyền tư pháp. Mặt khác, mối quan hệ ấy còn được xem xét theo nội dung phân công, phối hợp và kiểm soát giữa cơ quan tư pháp và cơ quan hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước. Từ cách tiếp cận nêu trên, mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp có những đặc điểm sau đây:
Một là, mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp theo nội dung kiểm soát có tính chất tài phán rõ ràng, cụ thể, bắt buộc thực hiện đối với hành pháp.
Trong mối quan hệ tư pháp - hành pháp, sự kiểm soát của tư pháp đối với hành pháp là kiểm soát có tính chất tài phán rất mạnh mẽ, rõ ràng, dứt khoát và cụ thể. Sở dĩ, mối quan hệ này có những tính chất nêu trên vì theo sự phân công quyền lực, các cơ quan hành pháp tổ chức thực thi pháp luật trên các lĩnh vực đời sống xã hội, trong khi đó các cơ quan thực thi quyền tư pháp lại có chức năng kiểm tra, giám sát, phán xét các hoạt động của cơ quan hành pháp và cán bộ, công chức hành pháp có đúng theo quy định của pháp luật hay không. Các quyết định hành chính, các hành vi vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức, viên chức hành pháp đều được đưa ra phân tích, phán xét theo thủ tục tố tụng và đúng theo quy định của pháp luật, không có ngoại lệ. Mọi kết luận, phán xét của TAND đối với các cơ quan hành pháp, cán bộ, công chức hành pháp trong các trường hợp vi phạm pháp luật là cụ thể, minh bạch, bắt buộc thực hiện đối với cơ quan hành pháp, cán bộ, công chức hành pháp.
Hai là, quyền hành pháp có sự kiểm soát nhất định đối với quyền tư pháp nhưng phải bảo đảm tính độc lập của TAND khi thực hiện quyền tư pháp.
Đặc điểm này thể hiện rõ nét nhất trong pháp luật của nhiều nước ở chỗ người đứng đầu hành pháp (Tổng thống, Chủ tịch nước) có quyền đề nghị Quốc hội bầu, phê chuẩn, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án TAND tối cao. Như vậy, trong điều kiện bình thường không có gì gay cấn đột xuất thì thường hết nhiệm kỳ mới bầu lại, phê chuẩn đề nghị của Tổng thống. Quy định này hạn chế sự can thiệp của hành pháp đối với hoạt động độc lập khi xét xử của Tòa án.
Nội dung kiểm soát quyền tư pháp của hành pháp ở Việt Nam chủ yếu thông qua hoạt động thu chi tài chính, ngân sách phục vụ cho hoạt động của Tòa án và hoạt động bồi thường nhà nước.
Ba là, quan hệ giữa tư pháp và hành pháp mặc dù có sự phân công rành mạch về chức năng nhưng phối hợp chặt chẽ trong hoạt động nhằm phục vụ, hỗ trợ bảo đảm hiệu quả hoạt động của cả hành pháp và tư pháp.
Theo sự phân công quyền lực, TAND là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, còn Chính phủ là cơ quan hành chính cao nhất, thực hiện quyền hành pháp. Nhưng trong hoạt động khi thực hiện chức năng của mình pháp luật còn có những quy định bảo đảm sự phối hợp, hỗ trợ giúp cho hoạt động của hành pháp cũng như tư pháp có hiệu quả hơn, đúng đắn hơn.
Đối với cơ quan tư pháp, ngoài việc tài phán về những vi phạm pháp luật của cơ quan, cán bộ, công chức hành pháp gắn với những chế tài cụ thể, tài phán của cơ quan tư pháp còn phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động hành pháp. Hoạt động tư pháp đúng đắn, nghiêm minh phục vụ, hỗ trợ cho hoạt động hành pháp đúng đắn hơn, hiệu quả hơn. Qua hoạt động xét xử, TAND phát hiện ra những bất cập, thiếu sót trong các quyết định của cơ quan hành pháp, những việc làm không đúng với quyền hạn, trách nhiệm… Những vấn đề này sẽ được TAND lưu ý, nhắc nhở, cảnh báo…, nếu cán bộ, công chức nào vi phạm pháp luật tới mức phải xử lý theo quy định của pháp luật thì TAND sẽ phán xét nghiêm minh. Như vậy, ngoài việc xử lý vi phạm pháp luật, TAND giúp cho cơ quan hành pháp kiện toàn bộ máy cán bộ, hủy bỏ hoặc sửa đổi, bổ sung các quyết định hành chính giúp cho cho hoạt động hành pháp hiệu quả hơn, đúng đắn hơn.
Đối với cơ quan hành pháp, khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ hoạt động tư pháp. Việc tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ hoạt động tư pháp của hành pháp thể hiện ở các nội dung: hành pháp bảo đảm cơ sở vật chất, kinh phí cho hoạt động tư pháp; tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho hoạt động tư pháp thông qua hệ thống đào tạo cử nhân luật, nghề luật; tổ chức, quản lý, cung ứng các dịch vụ bổ trợ tư pháp như luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch; tổ chức công tác thi hành án. Trong các nội dung trên đáng chú ý là hoạt động tổ chức công tác thi hành án. Bản án, quyết định của tòa án sẽ trở nên vô nghĩa nếu không được thi hành trong thực tế. Ở Việt Nam hiện nay, công tác thi hành án là do các cơ quan thuộc Chính phủ thực hiện, trong đó thi hành án hình sự do Bộ Công an đảm nhiệm, thi hành án dân sự, hành chính, kinh tế do Bộ Tư pháp quản lý, tổ chức thực hiện. Như vậy, trong quan hệ giữa quyền hành pháp và quyền tư pháp để bảo đảm yêu cầu thống nhất quyền lực và phân công, phối hợp trong thực hiện quyền lực nhà nước thì đặc điểm của quan hệ này không chỉ là kiểm soát, chế ước của tư pháp đối với hành pháp mà ngược lại hành pháp cũng tạo điều kiện thuận lợi, phục vụ hoạt động tư pháp.
Theo: Nguyễn Thị Huyền
Link luận án: Tại đây