MỐI QUAN HỆ GIỮA QUYỀN TƯ PHÁP VÀ QUYỀN HÀNH PHÁP
3.1.1. Mối quan hệ giữa quyền tư pháp và quyền hành pháp trong thực hiện quyền lực nhà nước ở Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật liên quan
Hiện nay, việc xác lập mối quan hệ giữa TAND và Chính phủ dựa trên quy định của Hiến pháp 2013, Luật Tổ chức TAND 2014, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Luật Tố tụng hành chính 2015, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và Quy chế phối hợp công tác được ban hành bởi nghị quyết liên tịch số 15/NQLT/CP-TANDTC-VKSNDTC ngày 31/03/2010 giữa Chính phủ, TAND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
3.1.1.1. Về phân công giữa Chính phủ và TAND
Ngày 28/11/2013, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII thông qua bản Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Hiến pháp này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2014. So với Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001), Hiến pháp năm 2013 có nhiều quy định mới liên quan đến quyền hành pháp và quyền tư pháp. Bên cạnh việc kế thừa Hiến pháp năm 1992 (tiếp tục khẳng định Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, là cơ quan chấp hành của Quốc hội) Hiến pháp năm 2013 đã bổ sung một quy định mới, quan trọng nhất, đó là Chính phủ thực hiện quyền hành pháp. Quy định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp bao hàm cả vị trí của Chính phủ trong phân công thực hiện quyền lực nhà nước, và chức năng hành pháp của Chính phủ. Như vậy, lần đầu tiên trong lịch sử lập hiến Việt Nam, Hiến pháp chính thức khẳng định Chính phủ là cơ quan thực hiện quyền hành pháp. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng giúp xác định cụ thể, rõ ràng, đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, vai trò của Chính phủ trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Quy định Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, trước hết là đề cập đến việc phân công quyền lực (phân quyền) giữa các nhánh quyền lực nhà nước, theo đó, Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, TAND thực hiện quyền tư pháp. Giữa 3 cơ quan (3 nhánh quyền lực) này có sự phối hợp và kiểm soát lẫn nhau trong việc thực hiện quyền lực được trao. Nói cách khác, trong cơ cấu quyền lực nhà nước thống nhất, Chính phủ thực hiện quyền hành pháp, tương ứng với quyền lập hiến, lập pháp thuộc về Quốc hội và quyền tư pháp thuộc về TAND. Sự phân công quyền lực này vừa bảo đảm tính thống nhất, vừa bảo đảm tính phối hợp và kiểm soát lẫn nhau, trên cơ sở hướng tới sự cân bằng và bảo đảm sự thông suốt của quyền lực. Đây là bước tiến có tính đột phá trong lịch sử lập hiến ở nước ta. Tuy nhiên, việc phân công quyền lực này không phải là phân chia quyền lực, không phải là tam quyền phân lập, cân bằng và đối trọng như trong các nhà nước tư sản.
Về quyền tư pháp, trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung năm 2001) quyền tư pháp mới chỉ xuất hiện 1 lần tại Điều 2 về nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước. Theo đó, quyền lực nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, nhưng nội dung của quyền tư pháp, cơ quan thực hiện quyền tư pháp chưa được xác định cụ thể. Điều này đã được Hiến pháp 2013 khắc phục bằng việc khẳng định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử… thực hiện quyền tư pháp”. Hiến pháp 2013 cùng với việc ghi nhận quyền tư pháp là một loại quyền lực nhà nước, là việc khẳng định cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong đó với tư cách là một quyền lực trong bộ ba quyền lực nhà nước đặt ra vai trò kiểm soát quyền lực của quyền tư pháp và kiểm soát chính quyền tư pháp bằng các cơ chế khác nhau. Bên cạnh đó, điểm mới quan trọng của Hiến pháp liên quan đến quyền tư pháp đó là bổ sung các nhiệm vụ của Tòa án với tư cách cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Theo đó, Tòa án thông qua chức năng xét xử thực hiện nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Như vậy nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người là hai bổ sung được đánh giá rất cao của Hiến pháp 2013 về Tòa án và quyền tư pháp.
Luật tổ chức Chính phủ năm 2015 và Luật tổ chức Tòa án năm 2014 được ban hành để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền hành pháp và quyền tư pháp.
Khác với Luật tổ chức Tòa án năm 2002, Luật tổ chức tòa án năm 2014 quy định sự xuất hiện của TAND cấp cao trong hệ thống tòa án của đất nước. Với sự xuất hiện của tòa án cấp cao, hệ thống tòa án đã bước đầu tách khỏi việc đặt tổ chức tòa án trong sự phụ thuộc vào địa giới hành chính. Sự xuất hiện của tòa án cấp cao là cố gắng hiện thực hóa một trong những mục tiêu cụ thể của Chiến lược cải cách tư pháp được khởi xướng cách đây gần tròn 10 năm. Theo qui định của Luật tổ chức tòa án năm 2014, TAND cấp cao sẽ thực hiện chức năng phúc thẩm bản án, quyết định sơ thẩm của TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị; Giám đốc thẩm, tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của TAND cấp tỉnh và tương đương thuộc địa hạt pháp lý bị kháng nghị. Tuy chưa hoàn toàn độc lập với chính quyền địa phương do các tòa án có chức năng xét xử sơ thẩm đều được bố trí theo địa giới hành chính, nhưng Luật Tổ chức tòa án đang tạo những bước đi ban đầu tiến dần đến sự độc lập của cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp. Hiện tại hệ thống tòa án theo Điều 3 của Luật quy định về tổ chức TAND bao gồm TAND tối cao; TAND cấp cao; TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (và tương đương) và Tòa án quân sự. Mặt khác, thẩm phán được phân định theo ngạch gồm: thẩm phán TAND tối cao; thẩm phán cao cấp; thẩm phán trung cấp và thẩm phán sơ cấp. Việc phân định này thực sự sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc thay đổi cách hiểu máy móc về vai trò và vị trí của thẩm phán. Cách gọi và cách hiểu có phần mặc định như trước đây là thẩm phán tỉnh, thẩm phán huyện vô hình trung đã địa phương hóa chức danh này.
3.1.1.2. Về phối hợp giữa Chính phủ và TAND Thứ nhất, trong xây dựng pháp luật
Trong hoạt động xây dựng pháp luật, giữa Chính phủ và TAND có sự phối hợp rất chặt chẽ. Cụ thể, Luật Tổ chức TAND năm 2014 quy định: “Tòa án nhân dân cùng với cơ quan, tổ chức nghiên cứu, đề xuất các chủ trương, chính sách, pháp luật về phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội” [11, Khoản 2- Điều17]. Trong số các nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao có quyền “Thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo văn bản pháp luật giữa Tòa án nhân dân tối cao với cơ quan có liên quan theo quy định của Luật ban hành văn bản pháp luật” [11, Khoản 2- Điều 22]. Sự phối hợp giữa Chính phủ và TAND được cụ thể hóa hơn nữa trong Quy chế phối hợp giữa TAND tối cao và Chính phủ: “Trước khi trình Chính phủ dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi dự thảo đến Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến. Khi nhận được
dự thảo, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham gia ý kiến bằng văn bản về dự thảo đó, kiến nghị với Chính phủ những vấn đề cần thiết, nhất là những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu những kiến nghị của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hoàn thiện dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, năm năm trình Chính phủ xem xét” [22, Điều 4]. Ngược lại, TAND tối cao trước khi trình dự án luật lên Quốc hội bắt buộc phải lấy ý kiến của Chính phủ. Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp là thành viên tham dự và phát biểu tại các phiên họp của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao về việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.
Thứ hai, trong giáo dục pháp luật
Luật Tổ chức TAND hiện hành quy định: “Tòa án nhân dân phối hợp với cơ quan, tổ chức phát huy tác dụng giáo dục của phiên tòa và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án nhân dân” “Trong trường hợp cần thiết, cùng với việc ra bản án, quyết định, Tòa án nhân dân kiến nghị yêu cầu cơ quan, tổ chức áp dụng biện pháp khắc phục nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm hoặc vi phạm pháp luật tại cơ quan, tổ chức đó” .
Theo: Nguyễn Thị Huyền
Link luận án: Tại đây