HIỆU QUẢ CỦA HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TRONG LĨNH VỰC KẾT CẤU HẠ TẦNG
2.1.1. Hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng
2.1.1.1. Khái niệm hiệu quả đầu tư
Hiệu quả đầu tư (Investment Efficiency) là phạm trù kinh tế biểu hiện quan hệ so sánh giữa các kết quả kinh tế - xã hội đạt được của hoạt động đầu tư với các chi phí phải bỏ ra để có các kết quả đó trong một thời kì nhất định. Đây là tất cả những lợi ích có được từ việc đầu tư về các lợi ích kinh tế xã hội, lợi ích cho chủ đầu tư và lợi ích cho những người sử dụng. Một dự án khi đạt được mục đích đầu tư, đồng nghĩa với việc đạt được hiệu quả đầu tư.
Để đáp ứng nhu cầu quản lý và nghiên cứu, xét theo tính chất thể hiện bản chất của hiệu quả, có thể phân loại hiệu quả đầu tư theo các tiêu thức sau:
- Hiệu quả về tài chính: là các lợi ích kinh tế do đầu tư tạo ra, như lợi nhuận mang lại, các khoản nộp ngân sách do dự án mang lại, hiệu suất sử dụng dòng tiền…
- Hiệu quả về kĩ thuật: thể hiện ở trình độ kĩ thuật cao hơn do đầu tư tạo ra.
- Hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường: thể hiện ở các lợi ích xã hội tăng lên như: tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho người lao động, phát triển giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường…
- Hiệu quả về an ninh quốc phòng: thể hiện ở việc củng cố an ninh quốc phòng.
Nếu xét theo quan điểm lợi ích, hiệu quả bao gồm: (1) Hiệu quả theo quan điểm lợi ích của doanh nghiệp và (2) hiệu quả theo quan điểm lợi ích của quốc gia. Ngoài ra, còn có một số cách thức phân loại khác như dựa vào mức độ trực tiếp và gián tiếp thì có hiệu quả thu được trực tiếp từ dự án và Hiệu quả thu được ngoài dự án (hiệu quả gián tiếp); theo phạm vi tác động thì có hiệu quả cục bộ, bộ phận và hiệu quả toàn cục, tổng thể, v.v…
Trong số các cách thức phân loại trên thì hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế- xã hội được sử dụng phổ biến trong hoạt động đánh giá hiệu quả đầu tư, bởi vì:
Thứ nhất, về bản chất, hiệu quả tài chính của một hoạt động đầu tư phản ánh trình độ lợi dụng các nguồn lực để đạt được mục tiêu đã định. Khi phân tích, thường sẽ sử dụng kết quả đạt được và chi phí bỏ ra để đánh giá. Việc phân tích hiệu quả kinh tế của dự án là việc nghiên cứu đánh giá khả năng sinh lời/hiệu quả sử dụng đồng vốn của dự án trên quan điểm lợi ích của chủ đầu tư. Một dự án đầu tư luôn phản ảnh hai khía cạnh cơ bản là chi phí để thực hiện dự án và lợi ích do dự án mang lại. Lợi ích và chi phí đó được biểu hiện qua đồng vốn với những giá trị khác nhau ở thời điểm khác nhau do tác động của lãi suất. Do đó, khi đánh giá hiệu quả kinh tế của đầu tư, cần thiết phải xét đến giá trị đồng tiền theo thời gian như các chỉ số lãi của đồng tiền, giá trị hiện tại, giá trị tương lai của đồng tiền và tỷ suất chiết khấu tài chính của dự án đầu tư.
Việc phân tích tài chính được thực hiện trước khi tiến hành hoạt động đầu tư nhằm xác định khả năng tạo ra lợi nhuận tài chính trên đầu tư thông qua hiệu quả sử dụng dòng tiền. Từ đó, đưa ra quyết định đầu tư, lựa chọn phương thức đầu tư phù hợp và là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền, các tổ chức cho vay vốn ra quyết định cho vay vốn, tài trợ, hợp tác và là cơ sở để tiến hành phân tích kinh tế - xã hội.
Thứ hai, lợi ích kinh tế - xã hội của một dự án đầu tư về bản chất là sự chênh lệch giữa những cái mà nền kinh tế và xã hội thu được so với những cái mà nền kinh tế và xã hội đã bỏ ra để thực hiện dự án đầu tư. Lợi ích mà xã hội thu được là sự đáp ứng của đầu tư đối với việc thực hiện các mục tiêu chung của xã hội, của nền kinh tế.
Những sự đáp ứng này có thể được xem xét mang tính chất định tính hoặc định lượng. Chi phí mà xã hội phải gánh chịu bao gồm toàn bộ các tài nguyên thiên nhiên, của cải vật chất, sức lao động mà xã hội danh cho đầu tư thay vì sử dụng vào mục đích khác trong tương lai không xa.
Phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội được xem xét trên tầm vĩ mô và xuất phát từ quyền lợi của toàn bộ xã hội nhằm tối đa hóa phúc lợi xã hội. Tuy nhiên, khi đứng trên góc độ nhà đầu tư thì việc phân tích kinh tế - xã hội chỉ đơn thuần nhằm mục đích làm cho dự án được chấp nhận và được thực hiện thuận lợi. Bởi vì mục đích của nhà đầu tư chính là lợi nhuận, lợi nhuận càng cao càng hấp dẫn nhà đầu tư. Khi xem xét trên góc độ toàn xã hội thì không phải hoạt động đầu tư nào đem lại lợi nhuận cao cho nhà đầu tư đều mang lại lợi ích về mặt kinh tế - xã hội.
Đối với nhà đầu tư, phân tích hiệu quả kinh tế - xã hội là căn cứ chủ yếu để thuyết phục các cơ quan có thẩm quyền chấp thuận dự án, thuyết phục các tổ chức quốc tế cho vay vốn hoặc tài trợ vốn để thực hiện dự án. Đối với nhà nước, đây là căn cứ chủ yếu để ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Đối với các tổ chức, cá nhân, các cơ quan viện trợ, đây là căn cứ chủ yếu để xem xét việc cho vay, tài trợ dự án. Nếu không chứng minh được hiệu quả kinh tế - xã hội, dự án khó có thể nhận được tài trợ, cho vay, đặc biệt là nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ, ngân hàng thế giới.
2.1.1.2. Đo lường tính hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng
Tùy thuộc vào bản chất, đặc trưng của hoạt động đầu tư sẽ có các tiêu chí đo lường hiệu quả đầu tư khác nhau. Có những tiêu chí chính, quan trọng là thang đo để xem xét một dự án có đạt được mục đích đầu tư hay không, trong đó hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án là hai tiêu chí được sử dụng phổ biến trong các dự án đầu tư. Tương ứng với mỗi tiêu chí sẽ có những chỉ tiêu và công thức tính cụ thể về mặt định lượng ở góc độ kinh tế.
Đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng cũng không ngoại lệ. Với tính chất là một hàng hóa công cộng và bản chất của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng là đầu tư phát triển, mục đích thu hút đầu tư đạt được khi sử dụng hiệu quả đồng vốn đầu tư nhằm cung ứng công trình, dịch vụ kết cấu hạ tầng tốt nhất cho sự phát triển kinh tế
- xã hội với chi phí đầu tư hợp lý. Do đó, hiệu quả đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng được xác định chủ yếu thông qua hiệu quả tài chính và hiệu quả kinh tế - xã hội trong quá trình thẩm định chủ trương đầu tư. Trong đó tiêu chí hiệu quả kinh tế - xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định chủ trương đầu tư, trong khi tiêu chí về hiệu quả tài chính góp phần quyết định phương thức đầu tư. Như vậy, để đo lường tính hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng, cần kết hợp đánh giá cả góc độ kinh tế lẫn góc độ chính sách công, với các tiêu chí đo lường cụ thể như sau:
Thứ nhất, tính hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng được đo lường thông qua kết quả sử dụng các nguồn lực đầu tư thông quả tỷ trọng vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng trên tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tỷ suất lợi nhuận từ đầu tư kết cấu hạ tầng.
Thứ hai, tính hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng được đo lường thông qua mức độ đạt được mục tiêu đầu tư của dự án khi vận hành thực tế so với các chỉ số đầu tư được phê duyệt và khả năng thu hồi vốn của nhà đầu tư.
Thứ ba, tính hiệu quả của hoạt động đầu tư trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng được đo lường thông qua các tác động của dự án đối với cộng đồng, dân cư, việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.
Các nhà lập pháp Việt Nam cũng có quan điểm tương đồng khi đã luật hóa các tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư công tại Nghị định số 01/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 84/2015/NĐ-CP, ngày 30/9/2015 của Chính phủ về giám sát và đánh giá đầu tư. Theo đó, tiêu chí đánh giá hiệu quả đầu tư dự án đầu tư công là “Mức độ đạt được mục tiêu đầu tư dự án theo quyết định đầu tư đã được phê duyệt; chỉ số khai thác, vận hành thực tế của dự án so với các chỉ số khai thác, vận hành của dự án đã được phê duyệt; tỷ suất hoàn vốn nội bộ (EIRR); các tác động kinh tế – xã hội, môi trường và các mục tiêu phát triển đặc thù khác (xóa đói giảm nghèo, bình đẳng giới, hộ chính sách, đối tượng ưu tiên); các biện pháp để giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực về xã hội, môi trường được thực hiện”55. Phương pháp đánh giá đối với các tiêu chí trên cũng được quy định rõ là “..tùy theo quy mô và tính chất của dự án, có thể sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu (giữa kết quả/số liệu thực tế thu thập tại thời điểm đánh giá và mục tiêu/kế hoạch đặt ra; hoặc giữa các thông số của dự án tại thời điểm đánh giá với các chỉ số tiêu chuẩn; hoặc kết hợp) hoặc phương pháp phân tích chi phí – lợi ích”.
Đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP, Điều 38 Nghị định 29/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư đề cập đến các tiêu chí đo lường hiệu quả đầu tư bao gồm: “hiệu quả tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội; tác động của việc thực hiện dự án theo phương thức PPP đối với cộng đồng, dân cư trong phạm vi dự án; tác động của dự án đối với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững; khả năng thu hồi vốn cho nhà đầu tư”.
Theo: Châu Phục Chi
Link luận án: Tại đây